Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Phép lạ của trầu - cau


Ơ hay, trầu cau hoá ra lại là thần dược. Và bên lề câu chuyện nghĩa tình ông cha ta vẫn kể, vẫn còn một thiên truyền kỳ hấp dẫn khác.
trầu. Ngoài vôi, cau trầu thường được ăn với vỏ cây. Cũng như ở các nước Đông Nam Á khác, cau trầu có mặt trong tất cả các buổi lễ cúng, cưới hỏi, trang hoàng, trong hoàng tộc cũng như ngoài dân gian. Nó "biểu tượng cho sự kính trọng, cho lòng biết ơn, cho sự tạ lỗi. Mỗi khi nhà có việc, đều không thể thiếu cơi trầu, bình vôi - người bạn đường chung thủy của trầu cau - là quyền lực của người nội tướng trong gia đình...".
Nếu bản thân cau trầu luôn là bài thơ muôn thuở của con người, thì ngày nay khoa học lại phân tích tìm kiếm trong loại thảo mộc này những tính chất dược lý có thể ứng dụng trong đời sống hằng ngày. Mang tên khoa học pepper (hay piper) betle (hay betel) L.; trầu, hay trầu không thuộc họ hồ tiêu piperaceae. Tên khoa học của cau, còn được gọi binh lang, tân lang, là areca catechu L., thuộc họ cau arecaceae. Ở nước ta, nhân dân dùng lá trầu giã nhỏ, cho thêm nước sôi vào dùng rửa những vết loét, mẩn ngứa, viêm mạch bạch huyết. Nước pha lá trầu còn được dùng làm thuốc nhỏ mắt chữa viêm kết mạc, chữa bệnh chàm mặt của trẻ em.
Trước kia, các thầy thuốc ở Ấn Độ từ thế kỷ thứ 1, các lương y Ả Rập ở thế kỷ 10 đã công nhận những giá trị y học của cau trầu. Sách xưa ghi miếng trầu kích thích nhiệt huyết, đem hương vào miệng, củng cố cơ thể, nảy nở vẻ đẹp, tiêu tan bệnh tật, giúp thêm điềm tĩnh,... Nó còn có khả năng tăng sức tim, chữa đau răng, củng cố nướu răng,...
Có nơi còn giã lá trầu đắp lên ngực để chữa ho và hen, hoặc đắp lên vú cho sữa không ra nữa. Trái cau thường được dùng làm thuốc lợi tiểu (gọi là đại phúc bì), chữa giun sán cho người và súc vật, giúp tiêu hoá, chữa viêm ruột, lỵ, trẻ con chốc đầu, hợp với thường sơn, thảo quả trong đơn thuốc "trường sơn triệt ngược" chữa sốt rét.
Đem phân tích, lá trầu chứa đựng 5 propenylphenol có tính chất khử nấm, trừ giun: chavicol, chavibetol, allyl pyrocatechol, chavibetol acetat, allylcatechol acetat. Những chất phenol khác cũng đã được tìm ra: hydroxy chavicol, eugenol, methyl eugenol, isoeugenol, flavon, quercetin, nhiều nhất là safrol trong hoa. Hydroxy chavicol, tác dụng mạnh nhất, cùng eugenol và tocopherol là những chất kháng oxy hoá đã được chiết xuất từ thân trầu. Những chất 3beta-acetyl ursolic acid, ursolic acid và beta-sitosterol có tính chất chống viêm.
Người ta biết khi thay đổi pH, chẳng hạn lúc tiếp xúc với vôi là một chất alcali, những alcaloid có khả năng thay đổi màu, ví dụ nhuộm đỏ trong nước miếng người ăn trầu. Vôi có khả năng ức chế methyl mercaptan phát tiết ra ngoài nên ăn trầu đỡ hôi miệng.
Trong một cuộc khảo cứu rộng lớn trên 100 thảo mộc ở châu Á, hãng Coreana Cosmetics đã tìm ra cau cùng với riềng, nghệ, cải, đinh hương, đơn bì, đại hoàng,… trong số những cây có thể dùng để chiết xuất chất kháng oxy hoá.
Một ứng dụng được thực hiện dựa lên tính chất này là cho trộn cau với dương mai hay riềng Curcuma longa, đinh hương Syzygium aromaticum, mộc hương Saussurea lappa (có khả năng khử melanin) làm thuốc bảo vệ da.
Có mỹ phẩm dựa lên tính chất khử thải những gốc tự do của cau, hỗn hợp với vitamin C hay cam thảo bắc Glycyrrhiza glabra. Nhờ khả năng ức chế tác dụng 5-nucleotidase, glucotransferase trong Streptoccocus mutans của những chất phenol, procyanidin và acid mỡ, cau được dùng để chữa sâu răng, trị viêm răng, chống mảng răng.
Trước đây, nhiều người dùng vỏ trái cau chà răng - một vật liệu vừa hữu hiệu vừa dễ kiếm cần được khuyến khích. Các chất phenol, đặc biệt là ester, thức biệt thành NF-86I, NF-86II, NPF-86IA, NPF-86IB, NPF-86IIA, NPF-86IIB nên cau được đưa vào thuốc trị u khối, chữa các chứng nhiễm virus. Vì ức chế glycerophosphat deshydrogenase, chúng được cho vào thức ăn chống béo.
Trong cau có một phần tannin ức chế được enzym chuyển đổi angiotensin nên được xem là chất chống huyết áp. Dùng dichloro methan chiết xuất, cau cống hiến một chất thuốc chống trầm cảm.
Một vấn đề khá quan trọng đã được nhiều giới khoa học lưu ý, đặc biệt ở Ấn Độ là khả năng gây ung thư của miếng trầu. Các bài tổng kiểm đã được sử dụng, lược kê gần 500 Kết luận đến nay chưa ngã ngũ rõ ràng.
Theo giáo sư P.C. Gupta, người đã theo dõi lâu ngày lĩnh vực này tuy thực nghiệm không chứng minh được miếng trầu không thêm thuốc lá đã đem lại ung thư, cau trong miệng đã gây các xơ dưới niêm mạc trong miệng - tức là một tổn thương tiền ung thư.
Một người hút thuốc đã có sẵn những xơ này tất nhiên dễ bị ung thư hơn những người khác. Ông lập chương trình phòng ngừa: ngừng hút thuốc nếu ăn trầu và khám nghiệm kịp thời để phát giác thời tiền ung thư. Sau cùng, một cuộc khảo sát tại Đại học Đài Loan đặt lại toàn thể vấn đề. Theo các tác giả bài báo này thì tính độc của polyphenol, alcaloid và tannin trong cau chưa được chứng minh rõ ràng và cần phải được xem lại. Phản ứng oxy hoá những polyphenol của cau trong nước miếng người ăn trầu cho phát xuất những loại oxy có hoạt tính lớn là mấu chốt mọi khởi xướng và phát triển ung thư miệng.
Phản ứng nitro hoá các alcaloid cấu tạo nên các nitroamin đặc thù của cau đã được chứng minh là những chất gây đột biến, rất độc về mặt gen và có khả năng cho đột nhập u khối vào thú vật như arecaidin và phần chiết từ cau.
Nhiều thí nghiệm cần được thực hiện để nêu rõ sự chuyển hoá của những thành phần cau và vai trò của chúng trong phản ứng nhiều đợt gây ung thư, để từ đó tìm ra phương pháp phòng ngừa và chữa ung thư miệng cũng như u xơ dưới niêm mạc miệng.
Tinh dầu trầu có tác dụng hạ huyết áp, duỗi bắp cơ, trị giun sán, chữa dị ứng như lá trầu. Trầu có khả năng hủy bỏ tác dụng đột biến của những chất gây ung thư nitrosonornicotin và methyl nitrosoamino pyridyl butanon từ thuốc lá nhờ eugenol, hydroxy chavicol, chlorophyll, vitamin C cũng như chống dimethyl benz [a] anthracen nhờ beta-caroten.
Trầu chiết được dùng với bạc hà trong hỗn hợp thuốc thơm để cho vào nước súc miệng. Có hoạt kháng chống oxy hoá, lá trầu làm bơ, dầu chậm khét - nhờ vậy giữ được lâu.
Mỗi lần về quê, nhìn hàng cau trong nắng, tôi nhớ đến Hàn Mặc Tử, nhớ qua thôn Vỹ, nhớ về Nam Phổ làng xưa. Bên tai tôi, từ phương trời Tây luôn văng vẳng giọng hát ngọt ngào của Thu Hiền:
Nhà anh có một vườn cau,
Nhà em có một vườn trầu…
Song song với những khảo cứu y khoa, kỹ nghệ cũng tìm cách ứng dụng tính chất của cau. Những phenol có khả năng bảo vệ nucleotid, chống tác dụng phá hoại của enzym được dùng bảo vệ rau quả như dưa chuột để giữ hương vị. Chúng ức chế urease chế tạo ammoniac trong urea nên được dùng làm thuốc thơm. Người ta đã làm thuốc nhuộm vải, lụa với phần chiết từ cau. Tannin được trộn với natrium sulfat, natrium carbonat làm thuốc nhuộm tóc đen xám. Nhờ chất proanthocyanidin, đặc biệt chất epicatechin-catechin, cau được hoà với một số chất để làm thuốc kích thích tóc mọc. Một loại giấm giàu enzym và amin acid, xúc tiến sự tiêu hoá, gồm có một phần hột cau, nước gừng, cải củ, khoai mài,... Thân cau có nhiều lignin, ít hollocellulose, có tính chất cơ lý học tương đương gỗ cứng thường dùng làm giấy. Vỏ trái cau đem xử lý với nấm đỏ Phanerochaete chrysosporium tăng số lượng protein lên 100%, nếu để nguyên cho ủ thì lignin huỷ hoại đến 62% nhưng năng suất khí methan phát ra tăng lên 48%. Vỏ trái cau dùng đánh răng, vừa rẻ tiền, vừa vệ sinh.
Bên Indonesia, khi chàng trai hỏi ý cô gái, cô gửi trả miếng trầu bọc hai lá: nếu úp cùng chiều là cô ưng ý. Cô vợ Arakan bên Myanmar thì xé lá trầu làm hai đưa cho chồng một nửa: nếu quấn làm miếng trầu ăn là anh đồng ý để vợ ra đi. Không phải tình cờ mà người Mã Lai lấy tên cây cau - pinang, đặt tên meminang cho cuộc dạm hỏi; pinangam cho đám hỏi, còn người ở đảo Bali thì đặt tên núi Pinang Gunggam. Bên Ấn Độ, bất cứ lễ sinh con hay lễ tế người chết đều phải có cau trầu. Người Borneo đặt cau trầu quanh thi hài người quá cố cùng những vật thường dùng hằng ngày. Người Sumatra mang cau trầu đi biếu lúc đến viếng và lúc từ giã...
Đi xa hơn, cau trầu còn là mối liên quan giữa người và thần linh. Nước đỏ bầm khi ăn trầu, rất lạ mắt và có phần ghê tởm với người phương Tây - lại là sức mạnh cốt tử trong mắt nhiều bộ lạc. Người Macassar ở Sulavesi dùng nước ăn trầu thoa trán và thái dương trẻ bị bệnh. Bên Philippines thì nước trầu bôi vào bụng con nít để tránh cảm lạnh. Ở nhiều nơi khác, nước trầu còn có tính chất bùa yêu mầu nhiệm. Ở Timor, thầy phù thủy nhìn màu nước trầu trên trán chiến sĩ để suy đoán vũ lực và khả năng chiến đấu. Bên Java, đường gân lá trầu chỉ định bản chất cơn bệnh, còn màu nước trầu thì biểu lộ tính tình. Người Batak ở Sumatra cung hiến miếng trầu cho ma quỷ để chúng khỏi rượt đuổi con người. Ở Bali, hằng ngày các cô gái mặc áo ngắn, quần jeans, tóc dài da thắm, tươi cười hồn nhiên đặt những khay trầu bằng lá tí hon trước cửa nhà và khắp nẻo đường, theo một tục lệ từ xưa.
Theo một số sách khác, nó là một niềm vui trong đời. Ngày nay, miếng trầu được xếp ngang hàng với guarana, kola,... những chất nhai chơi có khả năng kích thích. Các tu sĩ Myanmar tin là nhai trầu cổ vũ suy nghĩ, kích thích tịnh tâm.
Tục lệ cau trầu chỉ được phổ biến ở Âu châu từ thế kỷ 16, 17, 18, bắt đầu với người Bồ Đào Nha và nối kết sang một số dân tộc lân cận khác.
GS Võ Quang Yến

Pháp

Sống trụ son sao - Tiễn dặn người yêu

Nguyễn Khôi là nhà thơ được chúng tôi tuyển vào bộ THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI. Sự nghiệp của anh gồm có thơ ca, biên khảo và dịch thuật. Về phương diện dịch thuật anh có công trình Sống Chụ Son Sao rất có giá.
Truyện thơ Tiễn dặn người yêu (Sống Chụ Son Sao) là một thiên trường ca trữ tình kết hợp giữa truyện dân gian và thơ ca dân gian. Theo truyền thuyết, đây là câu chuyện tình của một đôi trai gái ở bản Panh và bản Sái thuộc xã Tranh Đấu, huyện Thuận Châu (tức Mường Muổi, Sơn La ngày nay). Sống Chụ Son Sao là đỉnh cao của văn học Thái đen (Tây Bắc Việt Nam) biểu trưng cho ngôn ngữ Thuận Châu, Mường La. Ra đời trong xã hội thịnh trị của thế kỷ XVII ở vùng Tây Bắc Đại Việt, ngôn ngữ thơ đã đạt đến trình độ điêu luyện, hầu hết các thể thơ Thái thông dụng đã được sử dụng trong Sống Chụ Son Sao, từ thể “Khắp Bắc” câu dài 11, 12 chữ, đến thể “Khống khái” câu ngắn 5, 6 chữ. Các thể thơ này được dùng xen kẽ với nhau khá nhuần nhuyễn.
Tiễn dặn người yêu  - áng thơ tuyệt diệu xin được tóm tắt như sau : Một đôi nam nữ sinh ra cùng lứa. Khi đến tuổi cập kê, họ bén duyên nhau, chàng trai sắm lễ vật sang nhà dạm hỏi. Nhưng bố mẹ không ưng, chê nghèo, ép gả cô cho người khác giàu và ở một bản xa. Chàng trai thất tình, đeo nặng nỗi buồn thương, phẫn chí bỏ sang Lào đi buôn mong kiếm đủ bạc vàng chuộc lại người yêu. Nhưng chợ đời đâu dễ kiếm tiền, chàng trai lam lũ vật lộn gian nan ở quê người. Là phận gái, cô dâu đau buồn vẫn không vượt qua bức tường lễ giáo, cam chịu cho số phận an bài, buộc phải lấy một kẻ xa lạ. Thấm thoắt sáu bảy năm trời, đã hết hạn ở rể của chồng, sau nhiều lần cố trì hoãn chờ người yêu trở về, cô đành nhắm mắt đưa chân bước đi đến người nhà làm dâu. Đúng ngày vu quy, thình lình người yêu cũ về đến nhà. Bao ước vọng tan tành. Không thể xoay chuyển tình thế, chàng dành cải trang thành khách đưa tiễn dâu về nhà chồng để dọc đường tranh thủ than thở tâm tình với người yêu cho vơi nỗi cay đắng. Chàng và nàng đau khổ hẹn thề rằng không lấy được nhau thời trẻ sẽ tìm mọi cách để lấy cho được nhau lúc về già. Cuối cùng, cái ngày ước nguyện định mệnh đã thành. Họ gặp nhau trong cảnh ngộ bi thương. Sau hai đời chồng, nàng bị người chồng thứ hai đem ra chợ bán và oái oăm thay được người tình xưa tình cờ đổi lấy bằng một nắm lá dong gói bánh! Từ đó, họ mới được thật sự sống trong hạnh phúc vợ chồng.
Thông qua mối tình đẫm đầy nước mắt của hai nhân vật chính, những phong tục tập quán, bao đời chi phối nhân duyên, bao nỗi lao đao thăng trầm, những buồn vui, sướng khổ… được dồn nén trong thiên bi tình sử này và nó đã trở thành bộ từ điển bách khoa của đời sống tinh thần dân tộc Thái. Người Thái thuộc và hát ”Tiễn dặn người yêu” trong  những cảnh huống tương thích giống như người Kinh thuộc và bói Kiều vậy.
Đã từng sống 21 năm ở Tây Bắc, lòng quê Quan họ thấm đượm hương sắc Mường bản, Nguyễn Khôi (Trai Đình Bảng) đã hóa thân vào chàng trai Thái để dịch, chuyển thể song thất lục bát tập đại thành của văn học Thái ra tiếng Việt. Chúng ta có thể khảo sát công trình công phu đó của nhà thơ :
1. Nguyên văn tiếng Thái :
“Cộp chụ tạu cáy khăn
Pha lăng phăn mữa xú hườn hươn chọi
Hên tò, mek dắn dọi lồng tồng xí puông
Mươi luông tặp cháy cá hươn ông pêng piếng
Tả chụ pên niếng nắc hặc pên niếng niêu
Hứa chaư điêng bánh xong xữ đảy”
Cầm Cường dịch :
Bên nhau tận thâu đêm gà gáy
Đeo giấc mơ về tới nhà, trăng xế đầu núi
Màn sương buông đồng làng làm bốn mảng
Sương lạnh sa mái nhà “ông” thành tảng
Lời tình xôi nén chặt
Thương tình xôi nén chắc vào xôi
Mảnh tim này ai nỡ xẻ làm đôi.
Nguyễn Khôi chuyển thể :
Có đêm chuyện chừng quên gà gáy
Đeo mộng về trăng rải như mơ
Mù dâng sương tỏa  mịt mờ
Tơ duyên xe lối hẹn  hò bền lâu.
2. Nguyên văn tiếng Thái :
“Nham bok pục, đất bok pục nằng cong
Nhám bók tong, đất bók tong nằng thả
Nham bók mạ, đất bók mạ nằng thả hướm lay”
Cầm Cường dịch nghĩa :
Mùa hoa bưởi, ngắt hoa bưởi ngồi trông
Mùa hoa vông, ngắt hoa vông ngồi chờ
Mùa hoa mạ, ngắt hoa mạ ngồi ngóng đợi hoài.
Nguyễn Khôi chuyển thể :
Cho dù đã vợ người ta
Đã yêu xin xẻ lòng chờ đợi nhau
Mùa hoa bưởi, hoa ngâu hẹn đợi
Hoa mạ vàng chờ tới tàn phai
Hoa tàn em nhúng sương mai
Hai mươi năm gói khăn  mùi còn thơm.
3. Nguyên văn bằng tiếng Thái :
“Mửa lồng hươn, phắc cón hính pên bửa
Bát làu lửa, xửa ón nọi ma ták têm chăn”
Cầm Cường dịch nghĩa :
Lúc ra đi hạt cải mới nẩy mầm
Tới ngày về, áo con trẻ phơi đầy sân.
Nguyễn Khôi dịch và phóng tác :
Khi anh đi cải ngồng cánh bướm
Anh trở về, cải muộn ra hoa
Khi đi piêu mới rủ là
Khi về áo trẻ đầy nhà dăng phơi
Lá trầu vàng rụng rơi khỏi cuống
Cây tre sầu chết đứng vườn bên
Bạn bè nên lứa nên duyên
Riêng anh đơn độc nhìn em bẽ bàng .
Nhưng rất nhiều chỗ anh lại rút gọn lại. Vào đầu câu chuyện, nguyên tác dùng đến 180 câu tả cảnh thai nghén của Mẹ yêu, Nguyễn Khôi tước bỏ những chỗ không cần thiết “gom” lại 12 câu khá chuẩn:
“Mẹ anh yêu nhói đau bên phải
Đều thèm ăn món gỏi cá chua
Bé xinh hai tháng có thừa
Mẹ thèm ăn dở me chua bên vườn
Chửa ba tháng gỏi lườn Cá Giếc.
Chắm nấu măng ngỡ tiệc tháng tư
Tháng năm Cá Pộc đã chờ
Cá Chày … sáu tháng mẹ sờ thấy con
Tháng thứ bảy Cá Mương làm gỏi
Cá Vũ ngon quẫy đợi tháng sau
Bé xinh mẹ nặng mang bầu
Đợi chờ chín tháng qua cầu nở sinh”
           * *
Máng nước xối lanh tanh róc rách
Chú thím mừng, mẹ mệt vẫn cười
Mười ngày, chín tháng, đủ đôi.
Hai ta cùng lúc chào đời khóc oe
Anh rơi sấp bà chìa tay đỡ
Mẹ đẻ ra rơi ngửa thành em
Nâng niu bú mớm lớn lên
Cùng phi ngựa trúc chơi liền bên nhau
Chất thi sĩ của người Kinh Nguyễn Khôi đã nhập vào hồn những câu thơ Thái rất đẹp và duyên dáng. Chúng ta có thể nhặt thêm : “Trời hoàng hôn nắng khép cửa rừng” (câu 78); “Quả câu nhỏ buộc dây trầu gỡ sao” (câu 120); “Người đi xa quẩn quanh vía bám – Dây trầu leo lên quấn hồn yêu” (câu 249-250);  “Vừa đi vừa ngoái đầu về bản – Chân bước xa càng nhớ càng đau” (câu 309-310); “Không ăn bụng đã đói mềm – Ăn vào tắc họng như tên bắn vào” (câu 640-641); “Chán nhau nhựa trám quyện mau – Hai đuôi con mắt, vai đầu quyện thương” (câu 792-793) ; “Đêm nằm không mảnh lót lưng – Cơm ăn như cát đói từng đêm đêm” (câu 888-889); “Đồi dong chớp loáng bên bờ - Mưa sa núi trám gió đưa bước nàng” (câu 1000-1001).
Nguyễn Khôi không có ý định bám sát nguyên tác để dịch mà bám sát từng ý, từng đoạn thơ Thái hay nhất, rút được cái thần thái nguyên bản để chuyển thành thơ. Dịch thơ là một sự sáng tạo. Sức sáng tạo của Nguyễn Khôi thật đáng kể. Nhà thơ đã khéo chọn thể thơ song thất lục bát độc nhất vô nhị của Việt Nam ra đời cùng thời thế kỷ XVII với Đoàn Thị Điểm dịch Chinh phụ ngâm và Nguyễn Gia Thiều viết Cung oán ngâm khúc - một thể thơ có khả năng vừa tự sự vừa trữ tình thích hợp cho truyện thơ để dịch.
Nguyên tác Sống chụ son sao dài 1.846 câu, Nguyễn khôi chuyển thể và rút gọn thành 1.024 câu mà cốt truyện vẫn đầy đủ ý nghĩa, hồn vía vẫn giữ trọn. Bản dịch thật tao nhã, lời Kinh hồn Thái nhuần nhị, nó là một công trình nghệ thuật có giá trị văn học cao, vượt trội hơn các bản dịch khác của Điêu Chính Ngâu (1914-1958), Mạc Phi (1928-1996). Có thể nói Nguyễn Khôi đã gần như sáng tác lại trên nền tảng của nguyên tác trứ danh này. Công lao của Nguyễn Khôi đối với “Tiễn Dặn Người Yêu” chẳng khác gì Nguyễn Du đối với Truyện Kiều.
Sau đây,  xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn tác phẩm :
SỐNG CHỤ SON SAO
(Tiễn Dặn Người Yêu)
Truyện thơ dân tộc Thái
Dịch thơ: Nguyễn Khôi

Phần 1:
1.
Kể chuyện cũ lại bù chuyện tới
Thuở đôi ta còn mới hoài thai
Mẹ yêu đã tính từng ngày
Em nằm bên trái “cựa” hoài lớn mau
5.
Mẹ anh yêu nhói đau bên phải[1]
Đều thèm ăn món gỏi cá chua
Bé xinh hai tháng có thừa
Mẹ thèm ăn dở me chua bên vườn
Chửa ba tháng gỏi lườn Cá Giếc
10.
Chắm nấu măng ngỡ tiệc tháng tư
Tháng năm Cá Pộc đã chờ
Cá Chày … sáu tháng mẹ sờ thấy con
Tháng thứ bảy Cá Mương làm gỏi
Cá Vũ ngon quẫy đợi tháng sau
15.
 Bé xinh mẹ nặng mang bầu
Đợi chờ chín tháng qua cầu nở sinh
Máng nước xối lanh tanh róc rách
Chú thím mừng, mẹ mệt vẫn cười
Mười ngày, chín tháng, đủ đôi
20.
Hai ta cùng lúc chào đời khóc oe
Anh rơi sấp bà chìa tay đỡ
Mẹ đẻ ra rơi ngửa thành em[2]
Nâng niu bú mớm lớn lên
Cùng phi ngựa trúc chơi liền bên nhau
25.
Mười ba tuổi em đâu còn nhỏ
Óng ả lên nhóm lửa trên sàn
Đàn môi, sáo thổi chứa chan
Đôi ta như gốc cải làn tươi xanh
Công cha mẹ sinh thành cùng lớn
30.
Tuổi ấu thơ duyên ướm từ xưa
Đến ngày gặp chốn sàn hoa
Ngồi bên bếp lửa mặn mà trao duyên
Có đêm chuyện chừng quên gà gáy
Đeo mộng về trăng rải như mơ
35.
Mù dâng sương tỏa mịt mờ
Tơ duyên se lối hẹn hò bền lâu
Chỉ sợ chặt “vầu” không thuận mé[3]
Trời không thương, cha mẹ không ưng
Thương ai khác bản khác mường
40.
Không yêu mẹ ép buộc lòng phải yêu
Ôi thương quá chim kêu mùa hạ
Lòng nhớ mong không ngả tìm sang
Tương tư những muốn tới gần
Lại e người quở, bần thần ốm o
45.
Mẹ anh xót mới nhờ người bói
Quẻ này “hung” người nói thầm thì
Đã yêu anh chẳng sợ gì
Đã thương quyết lấy, quyết đi đến cùng
Anh đi gặt lúa đồng ngoài nội
50.
 Anh đi đánh cá lưới ngoài sông
Cá to anh đổ tràn “cong”
Lợn gà nuôi đã đầy sân đợi ngày
Tìm mua đĩa, đi ngay Tạ Bú
Ra Tà Hè mua lụa, mua tơ
55.
Buồng cau Tà Sại đang chờ[4]
Trầu xanh muôn lá để nhờ”dạm” em

Phần 2:
Tìm bà Mai biết têm trầu tiếp
Lựa lời thưa duyên đẹp không phai
Lễ to lại đã chọn ngày
60.
Sang nhà xin lạy mẹ thầy ưng cho
Cha em ngồi cùng “Mo”[5] chẳng đáp
Mẹ em ngồi giường thấp lặng thinh
Hồi lâu mới nói lạnh tanh:
- Người kia cái mặt khó nhìn làm sao!
65.
Nón làng Chuông có đâu đáng đội
Rể chi anh đòi tối đan chài
Về đi chốn khác mối mai
Về đi, nội ngoại trong ngoài trình thưa.
Anh đã lo mà lo không đủ
70.
Tính chi ly lẫn lú tính sai
Tay ôm cau những rã rời
Tay xách giỏ cá lệ rơi thẹn thùng.
Anh đau đớn về buồng nằm khóc
Tấm thân trai héo hắt phòng không
75.
Khi con Người ấy ra đồng
Cũng đi kiếm cá ngoài sông, học đòi
Chài quăng đấy cá toi cả mẻ
Người mang về ướp ché măng chua
Đĩa mua Tạ Bú cũng chờ
80.
Cau mua Tà Sại, tơ mua Tà Hè
Cau Tà Sại chưa lìa đã héo
Trầu Mường Chai lá méo mùi hôi
Lá rong Người cắt gói xôi
Thuốc lào bọc lá nhờ người mối manh
85.
Lễ to chọn ngày lành tháng tốt
Sang nhà xin cho được dâu hiền
Cha em vừa thấy ưng liền
Mẹ vui lời tựa tấm chiên[6] ấm nồng
Em còn ở trên nương, nào biết
90.
Trời hoàng hôn nắng khép cửa rừng
Mặt trời rơi xuống tầng tầng
Từ mặt “phai”[7] tràn sang sàn người thương
Mặt trời quấn ngọn giang sắp lặn
Mặt trời treo ngọn sắn sắp rơi
95.
Trời im không một tiếng lời
Trời đi chẳng đợi chân người theo đi
Trời khuất núi mây che sập tối
Em vội vàng ra lối bìa rừng
Sương chiều đã đổ đầy thung
100.
Em còn chặt củi nai lưng gánh về
Bó to mẹ chẳng chê nấu rượu
Lửa sàn hoa hơ áo anh yêu
- Về đi, em gọi Vía theo
Vía anh yêu chớ ngủ liều búi lau
105.
Về tới bản thấy sao là lạ
Gánh củi to em hạ gầm sàn
- Mẹ ơi, em thẳng vào buồng
Cởi khăn lòng những bồn chồn làm sao.
Đi ra bến bờ cao nước lớn
110.
Về nhà chừng khó ướm hỏi ai
Thẩn thơ bụng đã đói rồi
Cơm canh đâu hở… mẹ ơi có gì?
Mẹ yêu bảo: mâm kia đang đợi
Em mở xem: gà gói, cá, nem
115.
Bên mâm bầy sẵn trầu têm
Thử vờ em hỏi: khách đem đổi à?
Mẹ bảo: Xá[8] núi xa không đổi
Gói trầu kia Người tới “dạm” con
Trăm năm tính cuộc vuông tròn
120.
Thôi cô đã lớn chẳng còn ngây thơ
Con chớ nghe lời gà, tiếng vịt
Vườn sẽ tan, trứng chết trong phôi
Mất họ hàng bởi lời xui
Đâu khôn đâu dại tới lui khôn lường
125.
Ai chả muốn nhà sang cửa lớn
Cây cải hoa lũ bướm lượn tìm
Mẹ cha đã mỏi mắt nhìn
Tuổi già mong rể út bên cậy nhờ
Giỏ cá trắm đang chờ rể biếu
130.
Con gái yêu lấy hiếu làm đầu
Em nghe trời sập xuống mau
Thương anh nát ruột nỗi sầu ngẩn ngơ
Em đã lo mà lo không đủ
Tính chi ly lẫn lú tính sai
135.
Chạy cầu chú bác trong ngoài
Họ hàng: – thôi cũng chịu rồi cháu ơi!
Chúng ta đã xơi cơi trầu lễ
Em lại kêu anh rể, chị dâu
- Ôi thôi bé út dễ đâu
140.
 Quả cau đã buộc dây trầu gỡ sao
Chim cúc cu cành cao đã hót
Nhà đang mừng, đừng khóc cô ơi!
Trúc tre nên giấy trắng ngời
Lấy chồng, bố đã gả rồi – phải nghe.
145.
Con gà chọn cành me đậu tốt
Gái kén chồng chẳng được hay đâu
Phải thằng chồng “Xá”[9] ngu lâu
Chọn dao chọn phải lưỡi dao mẻ quằn
Nghe cha mẹ môn đăng hộ đối
150.
Nón đội đầu sớm tối thong dong
Như cá không muối cá ươn
Đâu che lá chuối, cào vườn nương xa.
Lời nhân ngãi bao giờ chả ngọt
Hay thì hay chẳng được gì đâu
155.
Kẻo mà mạ lỡ vụ gieo
Nhà cao cửa rộng đón chiều chuộng em.
Lời như “chiếu”[10] đã liền một tấm
Như lưỡi gươm đã cắm xuyên tường
Dẫu van cha cũng chẳng thương
160.
Thân con bọ ngựa dễ lường bão, mưa
Em đã lo mà lo không đủ
Tính chi ly lẫn lú tính sai
Mượn dao người để chặt cây[11]
Khiến người đốn củi, lựa lời cho thôi.
Phần 3:
165.
Lúa đầy bịch sẽ mời ra cổng
Cho một manh khố đóng mang đi
Dở dang kẻ nói người chê
Kẻ thương người ghét ê chề mặt ai.
Em bỗng thành vợ người, nghĩa nặng
170.
Rau của Người bùi đắng, nghĩa dày
Sáo, kèn Người đã về đây
Nón treo giữa vách, chặt cây rào vườn
Người đã thành rể con nuôi bố
Trông ruộng vườn, đuổi hổ, chăn trâu
175.
Tinh mơ dậy sớm mài dao
Chiều về chài lưới, mệt nào dám kêu
Em đã lo mà lo không đủ
Tính chi ly lẫn lú tính sai
Lòng yêu, sống tựa chết rồi
180.
Thà ăn lá ngón lìa đời cho xong
Như vần đá, đá lăn đổ sập
Dập ngón tay rút ruột mà đau
Máu không rơi, buốt tận đầu
Nhói trong tim, hỏi ai nào biết cho?
185.
Trùm chăn kín xót xa thầm khóc
Cúi mặt gầm nước mắt chứa chan
Ngẩng lên lệ rỏ hai hàng
Chừng thừa nước mắt cả làng rửa rau
Thương mắt biếc như trầu xanh lá
190.
Thương ngón tay thon thả lá hành
Nhớ lời nguyện ước đinh ninh
Khăng khăng son sắt mối tình còn đeo.
Nhớ như gà con theo nhặt tấm
Như nắm xôi nóng bọc lá tươi
195.
Những mong là “đó”[12] thả trôi
là “đơm”[13] bạn quý, người hôi mất “lờ”[14]
Anh đã lo mà lo không đủ
Tính chi ly lẫn lú tính sai
Túm hai cái núm một “chài”
200.
Đêm đêm quăng trượt ra ngoài bờ sông
Như một kẻ đôi lòng khó nghĩ
Suy một mình thêm bí không cùng
Đã không nên vợ nên chồng
Muốn ăn dưa, cố rào vườn chẳng nên
205.
Nào ai ngỡ là em tình phụ
Như hoa tươi mãi rú rừng xa
Ước như tay Vượn dài ra
Hóa là tay Cóc khó qua bìa rừng
Ước có phép như Rồng biến hóa
210.
Biến em yêu thành vợ trong buồng
Lên trời đậu ngọn cây thơm
Bay tìm xem thử “mệnh” nàng ra sao
Mệnh nàng đâu ta cầu gần lại
Mệnh nàng xa mấy “xải”[15] cũng co
215.
Buộc hai hồn một dây to
Gần trong gang tấc “mệnh” chờ liền đôi
Anh đã lo mà lo không đủ
Tính chi ly lẫn lú tính sai
Người ta trầu úa mối mai
220.
Mẹ cha em lại mừng vui đón chào
Còn anh cả buồng cau sai quả
Trầu xanh tươi muôn lá… mang về
Vừa sang “dạm” đã đuổi, chê
- Ối dào, cái giống quả me ngoài rừng.
225.
Quả me nhà thơm lừng ngọt lạ
Gái nhà này phải giá bằng Voi
Giá Voi, đành lảng chịu thôi
Giá Trâu, cố đấm ăn xôi họa là
Dù thu vét cả nhà chẳng đủ
230.
Lấy “số” đua với “số” không cùng
“Phận” thì “phận” mỏng như không
Phải đâu rau núi, quả rừng hái tranh
Bạc không nặng khó giành em được
Tình có sâu thua cuộc… lìa nhau!
235.
Tủi thân anh bỏ sang Lào
Cắm sào rời bến, lòng đau nuốt hờn
Nào đeo túi đi buôn bán sắt
Bán “lưỡi mai” quanh khắp quê người
Mường Tang, Tòng Puốn tới nơi[16]
240.
Chân mây mờ tỏ, cửa trời ngó sang
Nén bạc: được cả đàn ngựa quý
Vạn trâu: chìa dao mẻ đổi liền
Nhờ phúc em, lãi muôn tiền
Xuất hành ngày tốt đã xem từ nhà
245.
Ngày Nhâm Ngọ tiếng gà tao tác
Anh quay về chọn được ngày “Thân”
Vừa ra cửa đã vấp chân
Đi buôn tìm được ngày “Dần” lộc to
Ra cổng gặp Cáo chờ lạy khấn
250.
Bìm Bịp mừng nhúng nhắng xun xoe
“Tực Từ”[17] kêu lộng ngoài khe
Thấy chim Chót Bóp bay về sánh đôi
Trời mở cửa thử coi Ngựa quý
Bốn vạn Trâu… lãi đẻ ngàn lần
255.
Ngựa trâu đi bước rầm rầm
Bồn chồn lại rỏ lệ thầm nhớ em
Nghe Hổ Báo rừng bên gầm thét
Nghe Chim kêu tha thiết đường mưa
Nhớ quê đồng đã vào mùa
260.
Mạ ai gieo, để ai bừa ruộng em?
Nỗi nhớ ai ngày đêm gọt tỉa
Vào giữa rừng hú Vía em thương
Ở nhà em đợi bên thang
Ngồi nơi đầu cối võ vàng ngóng trông
265.
Anh cứ tưởng vườn Gừng hóa Nghệ
Bạn tình xưa ve vé bên chồng
Nhưng còn đây trái tim hồng
Dây tơ vương vấn theo từng bước anh.
Người đi xa quẩn quanh Vía bám.
270.
Dây trầu leo lên quấn hồn yêu
Ngọn khoai ngả rợp bóng chiều
Tình yêu đôi lứa chẳng Xiêu hẹn lời.
Như dồn Bò buộc nơi cột trước
Như dồn Trâu anh buộc cột trong

Phần 4:
275.
Thương em đã dặn hết lòng
Yên tâm đợi mấy tháng xong anh về
Vào rừng măng thương tre đừng nhổ
Gặp bạn trai đừng có bỡn đùa
Trai quan kệ gái quan nô
281.
Gái trai cùng bản chuyện trò thân thương
Lìa anh, em nhớ đừng ngủ chạ
Xa anh, em chớ có nằm đôi
Anh về soi mắt kề môi
Ta chung chăn gối, hỡi ôi đợi cùng
285.
Bò anh bán tận Mường nước ấm
Sang Vân Nam ngựa bán rất hời
Mỗi con một nén bạc tươi
Ngựa Ô vượt giá hai mươi nén tròn.
Bạc mười nén tìm em anh chuộc
290.
Vải năm trăm[18] anh cược em ra
Cho dù là vợ người ta
Đã yêu xin xẻ lòng chờ đợi nhau.
Mùa hoa bưởi hoa ngâu hẹn đợi
Hoa Mạ vàng chờ tới tàn phai
295.
Hoa tàn em nhúng sương mai
Hai mươi năm gói khăn mùi còn thơm
Mười chín đời Tạo Quan vẫn thắm
Mặt thân thương gửi gắm gì hơn
Vải ư? Sợ vải chóng sờn
300.
Đàn ư? lại sợ gãy đàn ngang cung
Gửi bạc vụn sợ không xứng đáng
Bạc nén ư? Anh kiếm chưa ra
Gửi tre, lại sợ tre già
Đàn môi cất kỹ kẻo mà nhận sai
305.
Con khóc lấy đàn môi dỗ nín
Ngày về trời theo cánh ngựa bay[19]
Lời thương em nhớ đừng phai
Hồn thương đừng có đổi thay cõi trời.
Như hóa phép vàng tươi cánh bướm
310.
Qua hè chờ đông đến cưới nhau
Tuổi xuân dù có qua mau
Đợi khi góa bụa qua cầu vẫn ưng
Gái góa hai ba lần vẫn đẹp
Hơn gái tơ ba ngấn cổ cao[20]
315.
Má hồng hơn tuổi xuân đào
Thương yêu chắc hẳn dạt dào hơn xưa
Đã yêu nhau lời thề phải nhớ.
Trầu têm chờ chớ úa, còn thơm
Thư đi chớ lạc bản mường
320.
Gửi lòng yêu tới người thương phương trời
Em yêu khấn: anh ơi đừng ốm
Hãy như ve ILiếng[21] tài hoa
Dãi dầu đừng quá đi xa
Phòng cơm thuốc độc người ta hại mình.
325.
Đi buôn chớ xem khinh ngày tháng
Lúa móc câu làm cốm cha làm
Gạo còn mấy ống cơm lam
Đi dăm bảy bữa quay thuyền về quê.
Vừa đi vừa ngoái về bản cũ
330.
Bước chân xa càng nhớ càng đau
Dồn bò lên ngọn Khau Vai
Trâu lên Khau Cả cao vời núi non
Chân bò vướng ngọn giang tàu móc
Trâu bước đi chân vấp cành si.
335.
Cây rừng ngáng lối ngựa phi
Trâu không ăn cỏ,ngựa chê thóc mầm
Anh ngồi đám lá xanh anh ngắt
Bẻ cành mơ gấp khúc bói xem
Quẻ”hung” hao của tốn tiền.
340.
Trời đòi trâu lợn, Vía em ám cùng
Vía em lướt theo từng bước ngựa
Vết chân trâu có Vía em vương
Em thì ra ruộng lên nương
Bổ cau anh ném dọc đường vía theo.
345.
Ở nhà em sớm chiều mong nhớ
Xin nán lòng kẻo khổ anh đi
Trâu anh, chồm dậy tức thì
Núi cao tiếp núi ngựa phi tối ngày
Xa em lên Mường lay núi biếc
350.
Lối Mường So đá xếp quanh co
Cheo leo dốc dựng bên bờ
Chênh vênh cuối thác sóng xô bên trời
Áo anh đã tả tơi xơ xác
Trâu mang đi đổi chác chẳng hời (lời lãi)
355.
Chồng em biết chắc biết mỉm cười
Ngựa hay chẳng đủ bạc mười chuộc em.
Anh còn phải đi thêm xa nữa
Năm lại năm khốn khổ em ơi
Rừng tre măng đã đâm chồi.

Phần 5:
360.
Ngăn buồng cho rể, bông nhồi thêm chăn
Chăn đệm mới em làm chất đống
Của hồi môn, rể ngóng ngày ra
Cha tìm ngày tốt “bảy”,”ba”
Kéo chăn, dịch đệm, giao hòa lứa đôi[22]
365.
Em đã lo mà lo không đủ
Tính chi ly lẫn lú tính sai
Lòng yêu, sống tựa chết rồi
Thà ăn lá ngón lìa đời cho xong
Chồng em mới thung dung nói nhỏ
370.
“Trời cho ta thành vợ thành chồng
Cho dù đệm ngắn vài gang
Chăn như lá cỏ đắp ngang cũng đành
Ta sẽ chắn suối xanh làm đập
Chặn lũ về để bắt cá to
375.
Chồng cầy vợ cấy chăm lo
Mẹ cha cũng được ấm no với mình”
Em đã lo mà lo không đủ
Tính chi ly lẫn lú tính sai
Khóc gào chỉ tổ người cười
380
Cười ư, sượng mặt để người mỉa cho
Năm tiếp năm trông chờ mong ngóng
Đã sáu mùa lúa chín qua rồi
Bảy mùa cá lũ trôi xuôi
Ngày qua ngày lại anh ơi cháy lòng
385
Cha mẹ bảo: cốm không ăn mãi
Rể chẳng nuôi nhà vợ đến già
Sẽ đưa dâu quý về nhà
Bên chồng cũng đã quá ba năm chờ
Chồng em ra ven bờ kiếm cá
390.
Ra ngoài đồng gặt lúa qua trưa
Cá nhiều đem ướp mắm chua
Đợi ngày đẹp, mẹ cũng vừa nhắc em
Năm nay đưa vịt ngon về Phủ
Tháng Giêng này đúng cữ đưa dâu
395.
Em rằng: giêng chẳng tốt đâu
Gieo kê chim nhặt, buông câu cá chuồn
Mẹ nói buồn: tháng hai đưa vậy
Em vội thưa: tháng ấy kiêng hơn
Mệnh con treo mãi thượng nguồn
400.
Phải chờ bà Mụ đúc hồn cho xong
Phải đeo “lếp”[23] đi vòng nhà ngoại
Đeo sọt đi quay lại nhà xưa
Tháng này chưa phải tháng đưa
Vịt ngon về Phủ cũng chưa đúng kỳ
405 
Mẹ bảo: tháng ba đi vậy nhớ
Em thưa: còn làm cỏ trên nương
Tháng ba nhà phải cắt chàm
Phủ còn chưa nhận vịt ngon đưa về
Mẹ bảo : tháng tư đi vậy nhớ
410.
Em thưa: tháng này “dở” sự sinh
Biết bao lỗi, lệch đến mình
E điều thiên hạ cười khinh, không về
Mẹ bảo tháng năm đi vậy nhớ
Em thưa: chiêng có gõ chẳng kêu
415.
Giường thờ nấm mọc”gở” nhiều
Vịt ngon về Phủ bao điều khen chê
Mẹ bảo: tháng sáu đi vậy nhớ
Em thưa: mùa nước đổ tràn sông
Thuyền đi nguy hiểm vô cùng
420.
Gái không về tới nhà chồng, không đi
Mẹ bảo: tháng bảy đi vậy nhớ
Em thưa: ngỗng ấp nở tháng này
Sợ diều quạ đến cắp bay
Vịt ngon về Phủ chẳng hay chăng là
425
Mẹ bảo tháng tám đi vậy nhớ
Em thưa: tháng nắng đỏ cành bòng (bưởi)
Gió tây thổi bỏng tim gan
Vịt đưa về Phủ sẽ làm sao đây
Mẹ bảo: tháng chín đi vậy nhớ
430.
Em thưa: trời oi bức âm u
Sói tru hùm rống gầm gừ
Vịt đưa về Phủ mịt mù sương sa
Mẹ bảo: tháng mười đi vậy nhớ
Em thưa: còn lũ đỏ nước ngầu
435.
E thành gái góa sông sâu
Vịt đưa về Phủ xuống cầu âm ty
Mẹ bảo: tháng một đi vậy nhớ
Em thưa: mùa nấm gỗ héo hon
Mẹ chồng chê chẳng thấy ngon
440.
Vịt đưa về Phủ giá còn đáng chi
Mẹ bảo: tháng chạp đi vậy nhớ
Gốc cải già lá tỏa đuôi voi
Bố chồng ngừng cả đan chài
Mẹ buông tay cửi đón người dâu yêu.
445.
Em lúng túng hết điều chối nữa
Chọn ngày lành sắp sửa cưới cheo
Tháng này em phải đi theo
Vịt ngon về Phủ, trầu leo lên giàn
Bữa ăn to họ hàng đều tới
450 
Bữa nhỏ riêng để cưới em về
Bạc Vân Nam thật khó chê
Cân Lào đã bắc sát kề cân Kinh
Cha em được riêng mình bốn nén
Ngày mồng hai đánh chén đêm thâu
455.
Tiếp rồi bữa rượu đưa dâu
Anh yêu còn mải buôn trâu phương trời
Lên Mường So tìm nơi bán ngựa
Con ngựa ô hai chục nén tròn
Bạc mười dành để chuộc em
460.
Vải năm trăm đặt cược thêm tiếc gì
Bạc thừa thãi ta đi đúc nhị
Bạc trắng thì đúc Pí[24] thổi chơi
Trở về anh trở về thôi
Cơm ăn bãi cát ngủ đồi sỏi xa
465.
Thấy đôi nai nhẩn nha gặm cỏ
Súng anh giương, mũi ná anh nhằm
Nai run: xin lạy van chàng
Má hồng đang đợi, Nàng xuân đang chờ
Anh tiu nghỉu buông cò, bỏ ná
470.
Đàn Phượng đang ăn quả trên cành
Súng tay anh đã lăm lăm
Chim kêu: xin lạy van chàng thương cho.
Anh lại qua khe mơ vách đá
Lệ nhớ tuôn vạch lá luồn chui
475.
Con Don , con Dím nhạo cười
Tóc vương hoa cỏ, lạc rồi, rừng ma
Ma gái vặt Chanh na ném đuổi
Anh cắm đầu chạy vội lan man
Những mừng đến cửa nhà Quan
480.
Đây nhà người cũ trên sàn xôn xao
Chừng cả tiếng em yêu giòn giã
Như chim rừng ăn quả mừng reo
Ngõ hoa Mai nở mỹ miều
Tóc cao búi ngược ra chiều đón dâu[25]

Phần 6:
485.
Anh dò hỏi: Khách đâu đông tới
Mẹ anh kêu : – không phải con ơi
Mọi người ăn uống xong rồi
Sẽ đưa gái quý về nơi nhà chồng.
Khi anh đi cải ngồng cánh bướm
490.
Anh trở về cải muộn đơm hoa
Khi đi Piêu mới rủ là
Khi về áo trẻ khắp nhà giăng phơi
Là trầu vàng rụng rơi khỏi cuống
Cây tre sầu chết đứng vườn bên
495.
Bạn bè nên lứa nên duyên
Riêng anh đơn độc nhìn em bẽ bàng
Thư gửi sang xem chừng đã mục
Chuối trổ buồng chín nục thơm ngon
Nàng đang mải chuyện chồng con
500.
Đã yêu kẻ khác, mình còn bơ vơ
Anh đã lo mà lo không đủ
Tính chi li lẫn lú tính sai
Trèo cao lộn cổ lỡ đời
Đành trơ mắt ếch nhìn người Vu Quy
505.
Trong nhà em đang khi chuốc rượu
Hòm xiểng chờ chẳng thiếu ngoài hiên
Thôi vào chào các bề trên
Lạy cha , lạy mẹ, tìm em dặn dò
Xin cha mẹ thương lo đừng ốm
510.
Có se mình sớm nhắn con hay
Xin chào bạn gái bạn trai
Chào vườn trước ngõ trong ngoài bản ta
Ơi sàn khuống đậm đã duyên nợ[26]
Nơi hẹn hò bếp lửa cùng nhen

515.
Thôi rồi… nay lớp các em
Mới chiều qua đón trăng lên trên sàn
Mưa không rơi đừng tan sàn nhé
Trời không mù đừng để quạnh hiu
Đàn môi bạn đánh tối chiều
520.
Gái có chồng chẳng thể theo bạn bè
Xin chào cột chạm xòe đuôi nhạn
Mái chân gianh xén phẳng rui mè
Mái nhà tổ phụ bản quê
Xin chào hai họ ba bề đương ăn
525.
Chào khung cửi dệt khăn dệt lụa
Chào ngựa bò gặm cỏ non tơ
Chào đàn vịt đẻ trứng to
Thương gà trống gáy đúng giờ thức ta
Từ nay chẳng xuống nhà giã gạo
530.
Từ nay không rang đậu cho heo
Bãi mùi, búi sả ta yêu
Xin chào bếp lửa đến chiều khói vương
Ông đầu rau lửa vờn đen sạm
Cửa vắng ta chừng cũng rộng thênh
535.
Cầu thang bữa bữa xuống lên
Gầm sàn sớm tối thân quen với mình
Ta đã bỏ bạn tình , lỡ bạn
Chào anh trai hám bán em đi
Anh trai vội vã phân vi:
540.
Những mong em sướng so bì đâu hơn?
Trong nhà vẫn ồn ồn tiệc rượu
Hòm xiểng chờ chẳng thiếu ngoài hiên
Khăn Piêu phấp phới bay lên
Áo anh vội khoác đến liền tiễn đưa.

Phần 7:
545.
Anh sẽ tiễn đến nhà ông chú
Đến nhà chồng đừng sợ em ơi
Đưa em đưa đến tận nơi
Buồn thay tục lệ chẳng vời đến anh
Mẹ anh sợ ra ngăn anh lại
550.
Lôi anh về “không phải việc con
Gươm người sắc chớ coi thường
Bát cơm thuốc độc, thôi nhường con ơi!”
Anh vùng vẫy : quyết “chơi” chẳng sợ
Gươm sáng lòe giành vợ người ta
555.
Nếu không, làm loạn bản nhà
Nếu không, làm giặc xông pha Phủ đường[27]
Cha mẹ ngăn, lòng thương dằng dặc
Cha mẹ ghìm nằng nặc đòi yêu
Trong lòng em, chết cũng liều
560.
Gươm chồng em chém ngang chiều cũng cam
“Vải năm trăm” coi bằng đồ bỏ
“Bạc nén” như vỏ đỗ vụn đồng
Rồi ra sao sẽ mặc lòng
Chết cùng em tựa lông hồng nhẹ sao
565.
Dù thân phải phanh phui chín khúc
Chết giữa rừng như lúc ngủ say
Dối quanh để mẹ buông tay
Thề rằng: thôi vậy, con rày không đi
Mẹ cho con ăn gì kẻo đói
570.
Cơm canh vừa ăn khỏi khỏe ngay
Cá em bỏ mứa càng hay
Xôi khô đáy chõ quá ngày còn ngon
Con sẽ đi vào non bắn sóc
Lừa mẹ nghe, anh gấp theo em.
575.
Phút giây thôi hẫng mắt nhìn
Chồng em quẩy gánh em liền bước theo
Tới rừng ớt em yêu ngồi đợi
Qua rừng cà ngắt trái chờ anh
Nơi chờ em rải lá xanh
580.
Dành câu nói nhỏ mới đành lòng xa
Không rời, sợ người pha thuốc độc
E chồng em tức bốc thuốc mê
Như bò gặm cỏ ủ ê
Bị nai đến phá ê chề niềm riêng
585.
Xin được quấn vai em lụa mát
Ủ hương dành đốt xác mai sau[28]
Phút giây còn được bên nhau
Đưa con anh ẵm cùng âu yếm nồng
Cho anh được bế bồng đừng ngượng
590.
Con giống cha, xem Dượng giống không?
Giống em con sẽ trắng hồng
Có hay má lúm lạ lùng giống ai?
Đưa ngón tay để anh đeo nhẫn
Vòng bạc đầy một nén anh trao
595.
Tre vàng bướm nở xôn xao
Yêu em đưa tiễn biết bao dặm trường
Chim chích liệng kêu vàng anh lại
Chim nhạn bay cản lối anh đi
Chia tay thôi tiếc làm chi
600.
Sóng xô bè vỡ…sầu bi tuyệt đường
Chưa trọn ngày yêu thương khoảnh khắc
Của người ta giữ chắc được nào
Cá kia chỉ ở dưới ao
Lúa kia ở ruộng bên nhau khó lìa
605.
Tiễn đến đây anh về em nhé
Em vội kêu: đừng thế anh ơi
Sao Khun Lú[29] đợi góc trời
Mây kia vương vấn bao lời thở than
Ta sẽ xa để thương rơi lệ
610.
Chớ bỏ em đơn lẻ giữa rừng
Đừng buông giữa thác trào dâng
Bên nhau đây thoắt bỗng dưng chia lìa
Hẹn tháng 5 cá về nước đỏ
Đợi tiếng chim Tăng Ló[30] gọi hè
615.
Lời tình tự lắng say mê
Yêu em anh tiễn đưa về tận nơi
Ta rảo gót đường dài sánh bước
Đi mải mê qua gốc tơ hồng
Nhạn kia quấn quýt vợ chồng
620.
Uyên ương ngấp nghé mây lồng cửa hang
Hoa Áy[31] rờn trôi ngang sông Mã
Còn thương, tay gối lả riêng chờ
Rồi ngày nối lại duyên xưa
Tình mường duyên bản chẳng mờ chẳng phai
625.
Đưa tiễn tới nơi người bán chiếu
Qua bãi chiều có chợ bán mây
Vượt đèo qua dốc cây xoài
Nơi đàn trâu đứng vươn vai cọ sừng
Đã yêu em đi cùng tới bản
630.
Tiễn đưa nhau đưa thẳng tới nhà
Tiếng đồn gia thế người ta
Tin đưa phóng đại quá đà thuyền voi
Anh nghe đồn bằng đồi núi đá[32]
Nhà chồng em nóc vẽ hoa sen
635.
Cột kèo chạm Nhạn bay lên
Mái chân gianh xén phẳng trên rui mè
Bàn thờ kê thật to chính giữa
Đến mười voi vào cửa chẳng xiêu
Thoáng trông bạc nén rất nhiều
640.
Cột to như đúc, lạt đều vót trơn
Khung bếp nào khác vườn rau lớn
Gian tiếp gian chim lượn trăm vòng
Đến nơi xem lại tiếng đồn:
Ôi thôi, lều lán vây tròn cột lau
645.
Vách sậy kề vũng trâu nghiêng ngả
Sàn chênh vênh chồng vợ khó leo
Chim ri ghé đậu cũng xiêu
Chó vào đuôi hở, gà kêu muốn bùng
Xuyên mũi giáo xem chừng thừa cán
650.
Người đẹp ơi ở Lán sao đành
Lên sàn sợ sụp què chân
Thử qua kẽ mái anh luồn như chim
Lối cửa sổ thử lên như chuột
Như phép thần vọt tới nhà trong
655.
Thang lau em bước lên tầng
Xếp ngồi vái lạy bố chồng ngồi trên
Thấy chồng em bưng liền mâm tới
Cá gói ư? Toàn gói rau rừng
Không ăn, bụng đã đói mềm
660.
Ăn vào tắc họng như tên bắn vào
Anh xin nhủ em yêu hết nhẽ
Dặn em yêu phải kể hết lời
Bậc thang trên nhớ chớ ngồi
Gặp anh chồng: chớ lả lơi chuyện trò
665.
Chiếu bố chồng có cho chẳng ngủ
Gối anh chồng chớ có vịn qua[33]
Chớ nên chửi lợn mắng gà
Con thơ khóc quấy chớ mà rủa con.
Con làm sao đâu con bù xứng
670.
Phải dỗ dành ẵm nựng hát ru
Đi nương chớ gỡ chấy ra
Về nhà đừng ngắm bóng ta trong nồi
Đặt con vào trong nôi chớ ngủ
Trái tim yêu tình cũ chớ quên
675.
Xin đừng nói xấu cô em
Anh chồng cùng bố mẹ bên nhà chồng
Bởi xung quanh những ông bà bác
Ăn ở mà trái phép khó xin
Luật kia phạm lấy chi đền
680.
Cúng gà lễ lợn, tốn tiền, kiếm đâu?
Nhà lắm khách đến sao hay đến
Có con gà mẹ tiễn đưa chân
Rắc ngô em gọi tới gần
Nhanh tay chộp được, chẳng cần tăng gia
685.
Thôi, cắt tiết… lệ sa thương qúa
Thôi, vặt lông… nhà lạ vặt đâu
Cạnh thang: e mẹ càu nhàu
Ra ngoài mé cửa, suối sâu em làm
Bỏ nồi luộc nồi gang chóng được
690.
Canh cá sôi lục sục chóng ăn
Lại nghe vịt lẩn vào vườn
Mặc cho dâu mới lẹ luồn đuổi ra
Xùa ruộng dưới vịt đà xáo xác
Lùa ruộng trên”càng cạc” om xòm
696.
Quá trưa bụng chửa hạt cơm
Hết hơi đuổi vịt vào vườn le te
Áo váy ướt khó bề phơi phóng
Đâu cũng người cửa đóng then cài
Em đành áo ướt vậy thôi
700.
Cơm canh đã hết rã rời chân tay.
Cũng còn may chồng thương phần để
Canh lòng tòng bát mẻ dính trôn
Canh tôm còn lại đuôi tôm
Cá thì đầu vẩy, gà còn cánh chân
705.
Cánh gà nhọn, xương gân khó gặm
Khuỷu chân khô khó cắn móng dai
Chấm thì sợ ngượng khách chơi
Chan thì xấu hổ khách mời cười cho
Ôi khác hẳn ở nhà cha mẹ
710.
Thuở bé thơ cha dỗ mẹ dành
Con rô con riếc chê tanh
“Nuôi con bằng nhện” nay đành vậy thôi.

Phần cuối:
Khi chưa lấy thì người vồ vập
Sắp đón về tấp nập xum xoe
715.
Lấy rồi, người mắng người chê
Bắt ăn cám lợn, kéo bè đánh cho
Chồng em tốt, tảng lờ chẳng đánh
Cha mẹ chồng thác bệnh không ăn
Chồng em buộc phải đánh càn
720.
Gậy phang tới tấp lệch sườn, vẹo lưng
Em yếu mỏng ngã lăn nghiêng ngả
Ngất xỉu đi, anh ngỡ ngủ quên[34]
Nâng phủi sạch, dậy đi em
Tóc đưa anh gỡ, búi lên đỉnh đầu
725.
Chặt tre tốt về “sao” lấy thuốc
Thuốc tre rừng hết buốt hết đau
Tơ vò ta gỡ cùng nhau
Cùng nhau tơ rối lựa mau quay guồng
Guồng gỗ tốt cán thuôn quay tít
730.
Quay trở về tình đẹp ngày xưa
Dù có chết,”ảnh” chẳng mờ
Thành sông uống mát, thành bờ dây leo
Chết thành bèo: ao chung cùng nổi
Chết thành hồn: một mái ở chung
735.
Gốc dưa yêu mọc bãi sông
Nước xin đừng ngập, mặn nồng tình trao
Như Lú – Ủa thành Sao chẳng lạc
Như trâu chuồng, tiền bạc trong kho
Thương nhau chẳng có bến bờ
740.
Như vàng đá tạc nên thơ trọn đời
Cho dù cháy sạch đồi gỗ cứng
Lòng dạ ta bền vững thiên thu
Đưa em đưa đến tận nhà
Dặn em mọi nhẽ toàn là lời thương
745.
Ngày sinh nhật chớ bươn rừng thẳm
Giỗ ông bà chớ lảng ra sông
Nấu đun nhặt rác ngoài sân
Ngọn chàm cứ bẻ khi cần đồ xôi
Dấm chua bỏ gừng ôi cho hỏng
750.
Gieo dưa lên chỗ đứng cột nhà
Dây leo lên cả ban thờ
Trồng khoai cạnh bếp để bò lung tung
Rửa ốc rửa từng con cho tức
Rửa bát lắc cả rổ cho tan
755.
Rửa muôi gõ sứt miệng chum
Làm ra ngang ngạnh chồng hờn chồng chê
Chồng giận bỏ, được về đâu sợ
Ta lấy nhau, phận lỡ thương nhau
Duyên ôi, tình ế vẫn cầu
760.
Yêu nên còn mãi một màu đẹp tươi
Dù chết chẳng quên người tình cũ
Hồn trên mây vẫn nhớ tình xưa
Bến mê sông lú dật dờ
Đừng quên bông bụt tuổi thơ thuở nào
765.
Ngăn cơn lũ bờ ao chớ bỏ
Lấy nước lên phải nhớ mương phai
Cuốc kêu, gà gáy nhớ hoài
Tóc cao “tăng cẩu” chớ sai lời nguyền
Gạo vào cối chớ quên chày giã
770.
Cơm vào mồm chớ nhả cơm khê
Cho dù mọc lá cọc tre
Dâu thành rừng rút lời thề chẳng phai
Gieo kê biến thành hai bãi cát
Gạc nai thành tê giác hãy quên.
775.
Tóc trên đầu búi chẳng nên
Cá cua biết hát thì em quên chờ.
Sông Mã cạn lòng trơ bằng đĩa
Sông Đà nông bằng đũa hãy quên
Cá măng vùng đớp sao đêm
780.
Vàng anh ăn mía thì em quên chờ
Nay Sáo, Yểng rủ về anh hỡi
Voi lẻ đàn lủi thủi anh đi
Mía kia anh đẵn làm gì
Lấy chồng bảy kiếp, tình si vẫn tình.
785.
Mau hãy lớn trúc xinh mơn mởn
Chuối mọc nhanh thành khóm chuối cao
Voi qua chớ để chúng vào
Xanh um chắc rễ thì thào gió qua.
Vườn gừng héo đôi ta không lỗi
790.
Vườn riềng vàng chẳng đổi thay lòng
Thác cùng cá trắm đuôi cong
Chết cùng cá chép… chết cùng bên nhau
Lòng thương chặn sông Thao, sông Mã
Cá lìa đàn quẫy phá văng xa
795.
Thôi chào em, trở về nhà
Em rằng: I-liếng tài hoa chớ buồn
Cầu anh đi đúng đường chớ lạc
Phận em nghèo tiền bạc đâu lo
Nhẽ ra xôi đỗ gà giò
800.
Còn đây xôi hẩm chẳng vò mà đau
Rời bản em sang cầu đường lớn
Chừng còn nghe văng vẳng em than
Tiếng như kêu trách chồng con
Nhanh chân anh vượt qua non lúc nào.
805.
Chẳng còn nghe em yêu cười nói
Thương khóm rau nhỏ nhói vườn to
Vừa lên đã ngắt về đồ
Đang mùa hoa gạo vật vờ bóng em.
Núi tiếp núi rừng lim thăm thẳm
810.
Đã thương nhau đừng chán quên nhau
Chán nhau nhựa trám quện mau
Hai đuôi con mắt, vai, đầu quện thương
Như cánh chim nẻo đường sa mạc
Bay về em hồ mát nước trong
815.
Nhớ em trong mộng về thăm
Mường xa bảy cõi xin đừng quên thương
Quả bí ngô sọc vàng sọc trắng
Gốc tơ hồng giữa bản đâm bông
Hoa sao hoa thắm lạ lùng
820.
Những mơ ngà ngọc lượn vòng quanh hoa
Hoa Áy tỏa hương qua sông Mã
Áo chàm xanh lấp ló kìa ai
Mải băng đồng rộng bãi dài
Bẻ cây ngồi nghỉ, mệt nhoài buồn thay.
825.
Bẻ cây còn vết tay in dấu
Không thư từ đau đáu nhớ mong
Buồn tình mới chặt tàu dong
Hóa trăm buồng chuối cũng không hết sầu
Trồng khoai hóa dây bầu phép lạ
830.
Em lấy chồng, ta đã tiễn nhau
Gặt ăn măng đắng rau bầu
Trai thanh gái lịch ngõ hầu giúp ta?
Tình đã lỡ thành ra duyên trái
Gió sông Đà quằn quại sóng xô
835.
Nhắn cùng bác lái vô tư
Tàu dong lá nhỏ nghiêng từ dốc cao.
Ngắt lá dong anh chao đơm cá
Yêu một người thương nhớ một người
Xa nhau nằm đất lạ hơi
840.
Nằm lều lá chuối lạnh phơi sương rừng.
Anh rảo bước về mường bản vắng
Ăn miếng xôi dính cắm đầu tên
Đêm chừng ma quấy phát điên
Nhớ thương phát ốm, mẹ phiền hoảng lo.
845.
Đã yêu nhau nằm mơ thấy mặt
Mây mù trôi sao dạt mênh mông
Khói sương cầu nguyện ước lành
Phân thân anh, nửa hóa thành thân em.
Năm sắp hết trải trên ba vụ
850.
Đã bốn mùa cá lũ trôi xuôi
Đường tình mẹ cản không rời
Cha răn em chỉ lặng cười trông xa.
Cha mẹ chồng nói qua nói lại:
Nàng dâu lười rau hái vài cây.
855.
Nấu canh chẳng được bát đầy
Gỏi thái miếng mỏng chẳng tầy thái vuông.
Tiếng như thể choang choang sét đánh:
Vải khổ năm không khiến dệt xe
Không cho bưng biếu nhà Phìa
860.
Thân không đáng giá bạc chìa ba dây.
Nói thì ngại nhà đây tan nát
Nợ nhà mày số bạc cưới cheo
Bạc mười sáu chửa trả theo
Vải năm trăm chửa đủ nhiều mua em.
865.
Chồng em bảo:”nước trên nguồn đổ
Nó không hay ta trả nó về”
Ý chừng họ đuổi em đi
Cực thân lệ rỏ dầm dề tràn mương.
Lệ rơi đủ chan cơm rửa mặt
870.
Một dòng đầy đủ luộc trâu to
Một dòng đủ ắp lên hồ
Để cho em tắm như xưa họ “chài”
Em vạn lạy: xin người tha lỗi
Con xin làm sớm tối dâu hiền
875.
Cúng gà người cũng chẳng thèm
Cúng voi người ngoảnh mặt xem gọi là
Những thứ ấy sao mà em có
Phận nghèo hèn khốn khó kiếm đâu
Người xui chồng nện thật đau
880.
Gậy phang chập tối, đêm thâu, sáng mờ
Chồng đánh em như vồ nện bịch
Như Tạo Mường vui thích đánh chuông
Đuổi em, dao quẳng xuống sàn
Guồng tơ khung cửi đạp tan… đuổi về.
885.
Em đành trở về quê với ngoại
Thân một mình bải hoải bơ vơ
Khi đi bác mẹ tiễn đưa
Trở về rũ rượi như cờ vô phong
Mong người yêu lại không thấy lại
890.
Nước ngăn rồi quên khuấy đập cao
Cá ăn vứt đó bờ rào
Đi xa quên áo ai nào nhớ ai.
Gần người khác quên hơi bạn cũ
Mùa hoa sung đã lỡ qua rồi
895.
Mẹ cha trông xuống bồi hồi:
Ai kia gồng gánh tả tơi dưới nhà?
Trông áo đen ngỡ là áo sẫm
Ai kia gần kỹ ngắm là em
- Chao ôi, gái quí mẹ hiền
900.
Mẹ cha hốt hoảng kêu lên…em về!
Hỏi sao một mình đi như thế
Hay như voi chẳng thể xa rừng
Con yêu nhớ mẹ cha hiền
Chẳng quên người cũ bỏ liền về đây?
905.
Em ngắc ngứ: con nay kiệt sức
Việc nhà chồng cật lực chẳng xong
Đêm nằm không mảnh lót lưng
Cơm ăn như cát đói từng đêm đêm.
Làm chẳng nên người xua người chửi
910.
Việc làm ăn chưa giỏi người la
Tiếng đồn em bỏ về nhà
Về xuôi lên ngược quá đà mũi tên
Chẳng phải góa, đôi bên từ giã
Trở về nhà như lạ như quen
915.
Nghe tin có mối đến liền
Cau buồng, cá gói cầm lên hỏi nài
Cha mẹ bảo: bớt chài suối hẹp
Gái lỡ làng, tiền cược hạ thôi
Người khiêng lợn cưới đến nơi[35]
920.
Mồng hai làm cỗ xin đòi đón dâu
Trong nhà rượu cùng nhau mời mọc
Hòm xiểng đi đã sắp ngoài sân
Lao xao nắng xế non ngàn
Buồng cau trong thúng, họ hàng tiễn đưa.
925.
Nhà trai đón giữa trưa tất tưởi
Tóc búi cao, chồng mới em theo
Trái tim xưa vẫn còn treo
Anh ở đâu? Vía còn đeo trong hồn.
Về chồng mới em buồn, cáu gắt
930.
Phơi thóc thì mắng cót chửi sàn
Hạch chồng giữa chốn làm Quan
Vào nhà cười bác, ra sàn khích anh.
Nói xấu mẹ, đành hanh với bố
Vào bếp chân đá đổ chậu nồi
935.
Dỡ xôi làm vỡ mâm xôi
Khách vào, mặc áo để lòi vú ra
Vú quả mướp vòng ba vòng bảy
Ngủ đệm chê… rận chấy như sung
Tỉnh ra lại mắng nhiếc chồng
940.
Tóc em thì chải ngược, ghế lồng lật ngang
Cha mẹ than: mua Nàng dâu dữ
Nhà chẳng yên, xấu hổ, cơm toi
Bạc mười ta trả đủ rồi
Thôi tống ra chợ lấy mươi ba đồng.
945.
Đổi gạo chẳng ai màng đến đổi
Đổi muối chẳng ai tới đổi cho
Nghìn lần, chín chợ vòng vo
Lá dong một cuốn đổi cho xong đời
Trớ trêu lại về người tình cũ[36]
950.
Ngôi nhà xưa anh ở em yêu
Chàng đâu biết, mặc em theo
Để ngoài cối gạo sớm chiều chớ thây.
Chồng mới đưa dao dầy, rựa mỏng
Đưa giần sàng, củi cám…khoán cho
Lòng riêng một mối tơ vò
Kêu ca cùng lợn, tựa lò thở than.
Tưởng mong gặp được làm vợ quý.
Thành vợ yêu mới mẻ bên chàng
Mà nay bỏ dưới gầm sàn
960.
Để vương khói bếp phủ làn tóc tro
Mắt trộm ngó bạn xưa tình tự
Em mới thưa: đây có vật tin
Đàn môi xin gửi anh nhìn
Đàn môi em gảy bạn tình nhớ chăng?
965.
Chàng mới bảo: tiếng đàn kẻ khó
Kẻ hèn kia sao có đàn môi?
Tình tang một khúc bên trời
Thoảng chừng đàn giống tiếng lời ngày xưa?
Chàng dò hỏi thuở vừa đôi tám
970.
Mới nhận ra ôi bạn trăm năm
Thỏa tình yên trí làm ăn
Mắt thương soi mắt ăn nằm có nhau
Cành ban nở bên cầu vừa thấy
Sắm lụa là may váy em thương
975.
Lại như hoa sớm ngậm sương
Như gái Mường Muổi khăn hường thêu chim[37]
Đã nên duyên thì xin chớ phụ
Yêu đến khi tóc ngả hoa râm
Đến khi đầu bạc răng long
980.
Chẳng chê vụng dại cũng không chê lười.
Muối dưa chớ cười dưa chua quá
Rượu ủ lâu đắng lạ chớ chê
Bên nhau hạnh phúc thỏa thuê
Nhờ trời phù hộ em về cùng anh
985.
Còn vợ cũ duyên tình chẳng bén
Nàng có công vun vén cửa nhà
Anh chìa vàng bạc lụa là
Tiễn người vợ cũ có xa đừng phiền.
Em yêu nói: trầu têm đừng chặt
990.
Têm chặt e vôi gắt trầu non
Yêu nhau yêu nóng chóng mòn
Bình tâm sắp đặt, bản mường khó chê
Người ấy bảo: mọi bề em chịu
Đừng vứt em như xéo lá bay
995.
Em xin giã gạo đỡ chày
Em xin phơi lúa đổi tay đỡ chàng
Đã có kiềng xin làm gạch cạnh
Gặp chị xưa, xin phận thứ hai
Chịu đau được đỡ đầu roi
1000.
Được che ngọn kiếm chịu lời nhỏ to
Làm đầy tớ sớm khuya hầu rượu
Làm kẻ hầu buồng chiếu vợ chàng
Ngoài hiên nằm ngủ cũng cam
Cúi xin anh chị được làm vợ hai.
1005.
Chàng mới bảo: chớ nài nèo nã
Nhà rác đầy bởi vỏ măng tre
Hay gì cả lẽ, đa thê
Quanh năm xích mích, trở về đi thôi!
Người vợ cũ tìm lời dặn lại
1010.
Xin chào anh má ấp vai kề
Chào con nhỏ để mẹ đi
Về ông bà ngoại cùng dì cậu ta.
Trông ra thấy có hoa cài tóc
Khăn piêu đen phất tỏa đuôi voi
1015.
Nàng đi nàng đã đi rồi
Chàng thương đưa tận ra ngoài đường quan.
Xin chúc cô bình an lành lặn
Giữ gìn đừng dãi nắng dầm mưa
Đồi dong chớp nhoáng bên bờ
1020.
Mưa sa núi trám gió đưa bước nàng.
Trời xui khiến bên chàng nên vợ
Trúng hồng tâm mũi nỏ thần yêu
Chỉ vào guồng cuộn tơ gieo
An cư lạc nghiệp bao nhiêu là tình.
Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 1995.



[1] Người Thái xưa quan niệm “thai” nằm bên trái đẻ con gái, bên phải đẻ con trai
[2] Người Thái có tập quán đẻ ngồi cho rằng hễ là con trai thì đứa bé rơi sấp, là con gái thì đứa bé rơi ngửa
[3] Một loại cây tre
[4] Các địa danh Tạ Bú, Tà Hè, Tà Sại ở bên bờ sông Đà- Sơn La
[5] Mo – thầy cúng
[6] Chiên – tấm chăn chiên
[7] Phai – đập bằng tre gỗ ngăn dòng suối
[8] Xá – dân tộc thiểu số gồm người Khơ Mú, Kháng, Xinh Mun – cách gọi miệt thị
[9] Xá – dân tộc thiểu số gồm người Khơ Mú, Kháng, Xinh Mun – cách gọi miệt thị
[10] Chiếu – là chiếc chiếu để nằm phẳng liền một tấm
[11] Ý đoạn này là âm mưu kế “hoãn binh” của cô gái, cứ tạm bằng lòng để cho “Người ấy” (không phải người yêu) đến ở rể một thời gian thử thách theo phong tục từ ba tháng đến ba năm, có đạt yêu cầu mới cho làm lễ chung chăn, chính thức thành rể. Nếu không đạt thì sẽ bị đuổi về…
[12] Dụng cụ để đơm bắt cá
[13] Dụng cụ để đơm bắt cá
[14] Dụng cụ để đơm bắt cá
[15] Xải tay, cách đo dân dã
[16] Chỉ nơi xa xôi
[17] một loại chim
[18] Vải 500 chầu, mỗi chầu dài 4 sải (khoảng 3000 thước)
[19] ngựa có cánh đẽo bằng gỗ treo trên cây tang cạnh mộ đưa hồn người chết về Mường trời.
[20] Đàn bà góa vì buồn nên gầy cho nên cổ cao ngẳng có ngấn, vì yêu nên anh vẫn cho là đẹp
[21] Một loài Ve rừng kêu rất hay, được ví với người tài hoa có giọng tốt.
[22] Tục lệ người Thái khi mới đến ở rể phải thử thách một thời gian dài( ngủ riêng ở đầu hồi nhà, khi hai bên đã ưng nhau mới được kéo chăn, dịch đệm lại gần nhau làm lễ chung chăn “Sú phả”)
[23] Lếp: cái giỏ bên hông của các cô gái Thái
[24] Pí: một loại sáo
[25] Tóc búi cao ngược lên đỉnh đầu gọi là “tằng cẩu” biểu hiện gái đã có chồng
[26] Tục hát Hạn Khuống ở nơi sàn hoa ngoài trời, đêm đêm nhen bếp lửa, trai gái Thái gặp gỡ giao duyên.
[27] Không lấy được nàng ta làm giặc giữa Phủ
Không lấy được em, anh làm loạn giữa Mường

[28] Người Thái đen có tục hỏa táng muốn xác cháy đượm cần có hơi hướng của người thân yêu nhất
[29] Theo truyện thơ Khun Lú – nàng Uả của dân tộc Khơmú,hai người yêu nhau không lấy được nhau biến thành hai ngôi sao như sao Hôm , sao Mai.
[30] Chim Tăng ló như loại chim Cuốc kêu vào mùa hè mưa lũ
[31] Hoa Áy: một loại hoa rừng nhẹ như hoa lau
[32] Đồn về xuôi, tiếng đồn bằng thuyền
Đồn lên ngược, tiếng đồn bằng voi (Ý nói phóng đại quá mức)
[33] Tục kiêng kị, cả đoạn này anh dặn dò chị phải giữ gìn đúng tục lệ để tránh bị phạt vạ theo luật tục Thái, chỉ riêng ”trái tim” thì đừng quên tình cũ (là anh)
[34] Lúc này anh người yêu vẫn đang còn tiễn dặn vừa đến bên nhà chồng,được chứng kiến cảnh nhà chồng hành hạ nàng dâu mới
[35] Tục lệ cũ, lấy người đã qua một đời chồng thì giá tiền cũng hạ như suối hẹp phải dồn bớt chài lại, không phải ở rể như lần thứ nhất.
[36] Người chồng thứ ba chính là người tình cũ, người thứ hai đã trả đủ giá người nên có quyền đem ra chợ bán, không ai thèm mua chỉ đổi được một cuộn lá dong, trớ trêu lại gặp người tình cũ,là chàng trai đóng vai người tình tiễn dặn ở trên
[37] Gái Thuận Châu nổi tiếng là đẹp
================
Giới thiệu về dịch giả Nguyễn Khôi:
Sinh năm 1938
Quê quán: phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh
Nhà riêng: 259/39 phố Vọng - Hà Nội
- Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội
- UV BCH Hội Văn nghệ  Dân gian Hà Nội
- UV BCH Hội VHNT các Dân tộc Thiểu số VN (Khóa 2)
- Chuyên viên Cao cấp, nguyên Phó Vụ trưởng Văn phòng Quốc hội Việt Nam
Các tác phẩm đã xuất bản:
- Trai Đình Bảng (thơ) nxb Văn Học 1995,vhtt 2000
- Gửi Mường bản xa xăm (thơ) nxb vhdt 1998 - Giải thưởng Hội VHTH các DTTS VN 1998.
- Trưa rừng ấy (thơ tứ tuyệt 100 bài) nxb vhdt 2005
- Bắc Ninh thi thoại (biên khảo) đã tái bản lần thư 3.
- Các dân tộc ở Việt Nam-cách dùng họ và đặt tên (biên khảo nxb Vhdt 2006.
- Cổ Pháp cố sự- 4 tập, 920 trang nxb vhdt, viết về cội nguồn nhà Lý.
- Có thơ in ở: tuyển tập thơ Việt Nam 1945-2000 (nxb lao động); tuyển tập thơ
Việt Nam 1975-2000, nxb Hội Nhà Văn; tuyển tập Văn học Miền Núi-nxb giáo dục1998; tuyển tập thơ Việt Nam thế kỷ 20 (nxb giáo dục-2005), tuyển tập thơ Việt Nam 10 năm đầu thế kỷ 21(nxb Hội Nhà Văn 2010)...
Dịch thuật:
- Sống Chu Son Sao (Tiễn Dặn Người Yêu) - truyện thơ dân tộc Thái
- Tiếng hát làm Dâu (dân ca H’mông) vv...
Giải thưởng :
- Giải thưởng viết về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, bài thơ " Về Hà Nội".
- Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô 2008 cho Bộ sử Làng Cổ Pháp cố sự.
Nguồn: Nguyễn Khôi