Từng nhiều năm kinh nghiệm dạy học trò chuyên cô đã nếm trải biết bao câu chuyện buồn vui của nghề giáo. Qua “bàn tay nhào nặn” của cô nhiều thủ khoa của trường Quốc học Huế đã thành danh trong cuộc sống.
Niềm tin với nghề giáo
Hồi còn học cấp 3 mỗi lần nghe chị gái đi học về kể chuyện cô giáo dạy chuyên Anh lớp chị làm tôi vô cùng ngưỡng mộ và mong muốn một lần trong đời được diện kiến cô. Không biết duyên phận “đưa đẩy” thế nào mà hơn 10 năm sau ngày ra trường tôi được gặp cô giáo Minh Hương trong một buổi trưa tiết trời nắng ráo của những ngày cơn bão dữ vừa tát qua dải đất miền Trung.
Đón tôi tại căn nhà xinh xắn ở địa chỉ 87 Phan Văn Trường (Thành phố Huế) cô vui vẻ dẫn tôi lên một căn phòng ấm áp, phảng phất chút thiền môn. Bên tách trà hòa mật ong còn thơm nóng, cô Minh Hương bắt đầu kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện về cuộc đời, chuyện nghề:
“Thật lòng với em từ xưa đến chừ cô cùng không muốn lên báo mô nghe. Vì cô biết ở trong ngành Giáo dục còn rất nhiều người thầy, người cô đáng kính, đáng trọng hơn mình nữa. Nghề nào cũng có niềm vui, nỗi buồn em à”.
Sau khi nghe câu chuyện thật “chắc chắn như đinh đóng cột” mà suốt cả giờ cô say sưa kể, tôi đã té ngửa khi biết rằng công việc dạy chuyên của một giáo viên không dễ dàng như lâu nay mình tưởng.
Từ một học sinh chuyên Anh của trường rồi đến khi qua hết quãng đời sinh viên Anh ngữ tại trường Đại học Sư phạm Huế cô quay lại trường xin làm công việc của một người “đưa đò” mà từ lúc còn bé đã hằng mơ ước.
Không thể nhớ hết nổi hơn 20 năm đi dạy, bao nhiêu “chuyến đò” lúc trầm lúc lắng, lúc nước sông đục sông trong. Lúc trời yên bể lặng thì những chuyến đò chở nguồn tri thức “vượt vũ môn” nhanh chóng rạng rỡ. Cũng có những chuyến đò gập ghềnh cheo leo, lâu lâu mới thấy các em “qua được bến bờ vinh quang” rồi quay lại ghé thăm cô giáo cũ cùng say sưa chuyện trò.
Thấy tôi có vẻ thắc mắc câu hỏi nhiều năm dạy chuyên, cô có chịu “sức ép” nào không? Cô vẫn một nụ cười đôn hậu như hồi tôi được nghe chị kể. “Cái chất của thiếu nữ Huế” luôn khép kín mà sâu lắng trong tâm hồn cô càng làm cho tôi cảm nhận những khó khăn của nghề giáo. Một nghề mà ai đã dấn thân vào cũng phải sống bằng tâm, trí và đặc biệt là lòng đam mê.
Cô Hương tâm sự: “Ngày trước mọi người hay bảo nhau “Chuột chạy cùng sao mới vào sư phạm” riêng cô thì khác, từ ngày còn là cựu học sinh của trường Quốc học Huế cô đã mê nghề đi dạy rồi. Không biết bạn trẻ bây giờ có chán học ngoại ngữ không. Chứ cô thấy thầy cô ngày trước ở trường dạy quá tuyệt vời, đến nỗi cô mê nghề giáo từ ngày đó”.
Mặc dù tốt nghiệp đại học loại ưu, nằm trong danh sách các sinh viên được trường Đại học Sư phạm Huế giữ lại làm giảng viên nhưng vì tình yêu trường cũ, thích quây quần bên đám học trò tinh nghịch dễ thương cô quyết định quay lại trường xin gặp thầy hiệu trưởng dạy hợp đồng.
“Hồi đó mới ra trường mình thích dạy quá nên vừa nhận bằng xong là mình “ngây thơ” đến gặp thầy hiệu trưởng Đặng Xuân Trừng lúc đó là hiệu trưởng rồi nói: “Thầy ơi con ra trường rồi thầy cho con về trường dạy nhé. Nếu trong trường đủ giáo viên biên chế rồi thầy cho con dạy không cần lương cũng được".
Thầy Trừng nói lại: "Thầy cho con dạy không hưởng lương vô tình thầy bóc lột con à”. “Cũng thật lòng mà nói, lúc mới ra trường kinh tế gia đình cô khó khăn lắm. Cô cũng từng bỏ dạy làm đủ thứ nghề. Nhưng rồi vì tình yêu với nghề giáo luôn âm ỉ trong cô cho nên vào năm 1991 tổ Anh văn của trường có cô Sương đi Úc theo diện đoàn tụ gia đình, từ đó cô được tuyển vào biên chế của trường cho đến ngày hôm nay".
Gần 20 năm gắn bó với học sinh chuyên Anh không nhớ nổi có bao nhiêu học sinh mình dạy đã đỗ thủ khoa vào các trường đại học trên toàn quốc nhưng bao giờ kể về công việc cô cũng khiêm tốn, chân thành. Nhiều “học trò cưng” của cô giờ đã thành danh như: Tô Diệu Lan, Nguyễn Quý Trân, Lê Mai Hoàng Giao hay những học sinh vừa đạt thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh năm 2012 - 2103 của lớp 12 chuyên Anh do cô làm chủ nhiệm như: Trương Thái Chân, Đào Bội Trân, Nguyễn Thanh Trúc… khi có dịp tiếp xúc đã có những nhận xét rất chí tình về cô giáo của mình.
Em Trương Thái Chân kể: Ở trường, cô Minh Hương như là một người mẹ hiền của bọn em, cách giảng dạy của cô không hề tạo ra sự gò bó từ kỹ năng nghe, đọc và cách giảng bài. Cô Hương luôn phát huy khả năng sáng tạo của mỗi học sinh, cho học sinh làm bài tập nhiều hơn học lý thuyết, sau đó chỉ ra những cơ bản nhất để học sinh theo kịp. Cô chính là thần tượng của chúng em.
Đôi lúc giáo viên ngoài sách giáo khoa, người dạy chuyên Anh phải luôn trau dồi tài liệu, giáo án. Người cô, người thầy khi dạy cho học sinh “phải như ca sĩ hát hay trên sân khấu”. Người dạy giỏi phải làm cho học sinh thích thú, cảm hứng như những người nấu ăn giỏi luôn biết soạn những món ăn mà người ăn cảm thấy không ớn.
Còn bằng cách nào để học sinh luôn nhớ và yêu quý mình trong khi đang còn học cũng như sau khi ra trường thì chính bản thân người cô, người thầy phải sống gần gũi với học trò bằng lòng chân tình, nhiệt tình và ít “màu mè”. Đừng bao giờ ép học sinh phải làm những điều mà các em không thích.
Trong kỳ thi tuyển sinh năm học 2012 - 2013, lớp 12 chuyên Anh trường THPT Quốc học Huế do cô Nguyễn Minh Hương chủ nhiệm có 6 thủ khoa của các trường, ngành trực thuộc ĐH Huế và Đại học quốc gia TPHCM.
6 thủ khoa đến từ lớp Chuyên Anh Quốc học Huế, gồm: Trương Thái Chân - Thủ khoa 27 điểm trường Đại học Ngoại ngữ Huế; Đào Bội Trân - Thủ khoa 26,5 điểm trường Đại học Ngoại thương TPHCM; Nguyễn Thanh Trúc - Thủ khoa 25 điểm trường Đại học Kinh tế Huế; Lại Xuân Bách - Thủ khoa 23,5 điểm ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế Huế; Nguyễn Hoàng Minh Đức - Thủ khoa 23,5 điểm ngành Kinh tế, ĐH Kinh tế Huế; Trịnh Phước An - Thủ khoa 25 điểm trường Đại học Công nghệ thông tin TPHCM.
Ngoài ra, trong lớp 12 Chuyên Anh Quốc học Huế có nhiều bạn tự “săn tìm học bổng” qua mạng. Nổi bật như: Trần Thị Hoàng Dung, Trần Trương Bảo Ngọc, Lương Thị Xuân Nguyên dù đã có suất du học tại Nhật bằng học bổng APU vẫn muốn thử sức trong kỳ thi đại học vừa qua.