(GDVN) - Bỏ lại môi trường dạy học thuận lợi ở đất liền, thầy quyết định đến với các em vùng biển đảo xa xôi để cống hiến.
Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh chị em ở thôn Cổ Lũy, xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa ( Quảng Ngãi), tuổi thanh thiếu niên trải qua thời kỳ bao cấp đầy khốn khó, bao chúng bạn cùng trang lứa nghỉ học giữa chừng nhưng cậu học trò nhỏ Lê Văn Linh vẫn lặng lẽ, kiên trì đến trường, đến lớp, ôm ấp ước mơ sau này trở thành thầy giáo dạy học.
Lựa chọn nơi khó khăn để đến
Bản tính luôn biết vượt khó, cần cù, chăm chỉ, siêng năng học hành đã giúp cậu học trò của trường THPT số 1 Tư Nghĩa sớm đạt được ước mơ, bằng kết quả thi đỗ vào khoa Sử- Giáo dục công dân khóa 10 của trường Đại học sư phạm Quy Nhơn. Sau 4 năm trời đèn sách vất vả, môi trường đại học nơi đây đã tôi luyện, cung cấp, trang bị cho cậu sinh viên Lê Văn Linh những kiến thức và phương pháp dạy học cần thiết để bước vào nghề dạy học. Tốt nghiệp ra trường, về quê nhà, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi có quyết định phân công thầy giáo trẻ Lê Văn Linh công tác ở một nơi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đó là: trường THPT Lý Sơn thuộc huyện đảo Lý Sơn, cách đất liền 20 hải lý.
Có cậu con trai, học hành nỗ lực, ra trường trông mong con làm việc gần nhà để đỡ tần, phụ giúp cha mẹ già yếu, nay phải đi công tác nơi biển đảo xa xôi đầy sóng gió nên gia đình ai ai cũng buồn và lo lắng. Một số anh em bạn cùng lứa đại học thương cảm, muốn tốt cho thầy, còn bảo thầy tìm người có thân có thế, nhờ xin lãnh đạo Sở cho ở trong đất liền, chứ ra ngoài đảo cực khổ, nguy hiểm khôn lường.
|
Thầy Linh với nhóm học sinh giỏi môn Lịch sử.
|
Thầy giáo trẻ Lê Văn Linh không hề hoang mang, dao động mà trái lại rất bản lĩnh, tự tin, tìm cách động viên, trấn an gia đình, cha mẹ và vui vẻ khăn gói ra đảo nhận nhiệm vụ mới.
Thầy Linh tâm sự: “Thời gian đầu ra đảo, thấy trường lớp mới thành lập tạm bợ, ọp ẹp, chẳng có mấy học sinh, vả lại điều kiện sinh hoạt nơi đó rất tùng tú, khó khăn, thiếu điện nước trầm trọng, mùa biển động tàu bè, đi lại đầy trắc trở, tôi và nhiều thầy cô giáo từ đất liền nản lắm. Song tình yêu nghề tha thiết có từ thuở nhỏ và thương lắm cái bản chất mộc mạc, hiền hòa, đáng yêu của người dân và học sinh biển đảo là động lực chính để tôi vượt qua chính mình đồng thời gắn bó và làm việc hết mình. Nơi đây đã giúp tôi trưởng thành”
12 năm công tác tại Lý Sơn, thầy Linh có những tình cảm và kỷ niệm khó quên với đồng nghiệp, học sinh và người dân biển đảo.
Thầy Huỳnh Văn Long, Phó Hiệu trưởng, trường THPT Lý Sơn ( Quảng Ngãi) cho biết khi cho biết về thầy Linh đã nói: “Tôi là dân gốc ở đây. Có thời gian dài, thầy Linh công tác tại ngôi trường đặc biệt này, tôi nhận thấy Thầy Linh là thầy giáo tuyệt vời. Rất tận tụy giúp đỡ học sinh, nhất là các em nhà nghèo. Công việc được giao: đoàn thanh niên, giám thị, quản lý tổ chuyên môn…thầy Linh làm việc nhiệt tình, chu đáo, kỹ lưỡng khó ai sánh bằng. Sống làm việc nơi đất đảo, trong điều kiện khắc nghiệt mà lúc nào thầy Linh cũng vui vẻ, hào hứng, nhiệt huyết, hiếm khi thấy thầy nề hà, than thở, so đo thiệt hơn”.
Không một ngày vơi cạn nhiệt huyết, trách nhiệm
Do hoàn cảnh cha mẹ già yếu, ốm đau luôn, cần người chăm sóc, đến năm 2003, thầy Linh được Sở GD & ĐT thuyên chuyển công tác vào đất liền, về trường THPT Huỳnh Thúc Kháng ( Sơn Tịnh). Người thầy từng nếm sương gió biển đảo xa xôi này sớm hòa nhập, bắt nhịp với công việc, nhiệm vụ ngôi trường mới.
|
Thầy Linh nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo
|
Thầy dành nhiều thời gian đầu tư, củng cố, nâng cao nhiệm vụ chuyên môn. Tình yêu môn Lịch sử, môn Giáo dục công dân cộng với ý thức trách nhiệm cao trong giảng dạy, thầy Linh đã khơi dậy và truyền được niềm hứng thú học bộ môn đến các thế hệ học trò bằng những chi tiết, dẫn chứng phong phú, sống động từ sách vở và đời sống thực tế.
Huỳnh Thúc Kháng là trường mới lên công lập ( trước đây thuộc hệ bán công), ít có nhân tố tốt để chọn, bồi dưỡng, dự thi học sinh giỏi, nhưng khi được nhà trường giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử dự cấp tỉnh, thầy Linh năng nổ, tâm huyết đến từng lớp, gặp từng giáo viên để lựa chọn, thuyết phục các em tham gia.
Nhờ vậy, đội tuyển học sinh thi môn Lịch sử của trường do thầy đảm nhiệm năm nào cũng dành thành tích cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh. Mặc dù, nhiều cô cậu học trò ra trường đã lâu, song mỗi khi nhắc đến thầy Linh đều có ấn tượng tốt đẹp, không quên những tiết dạy sâu sắc, thú vị của thầy.
Đối với công tác giáo chủ nhiệm, ở trường Huỳnh Thúc Kháng khó tìm được giáo viên nào nhiệt tình, thương học trò bằng thầy. Những em cá biệt, hư hỏng, thầy luôn kiên trì với biện pháp giáo dục cảm hóa, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, các giáo viên, bộ phận trong nhà trường để theo dõi uốn nắn, giúp đỡ các em tiến bộ.
Những trường hợp học sinh khó khăn, cá biệt, cha mẹ bất lực, đi làm ăn xa, thầy thường xuyên liên lạc, lặn lội đến tận nhà để tìm hiểu, động viên, khuyên răn con em, phụ huynh.
Em Nguyễn Hữu Hậu, sinh viên môn Lịch sử, khóa 37, trường Đại học Quy Nhơn, vừa mới tốt nghiệp đại học cũng là một trong những học sinh cá biệt năm nào được thầy Linh cảm hóa.
Giờ gặp lại em vẫn nhớ: “Em là học sinh cá biệt của lớp 12 C7, năm 2009 do thầy Lê Văn Linh chủ nhiệm. Năm đó, nếu không có thầy giáo chủ nhiệm tận tình động viên, giúp đỡ, chỉ ra những lỗi lầm, sai phạm thì em đã bỏ học, đi bụi đời rồi. Có được thành công bước đầu như ngày hôm nay, em vô cùng biết ơn nhà trường, thầy giáo chủ nhiệm. Em, gia đình em luôn coi thầy Linh là nhân ân, người cha thứ hai của mình vậy” Hậu cảm động cho biết.
Không chỉ giỏi về chuyên môn, say mê với nghề dạy học, công tác chủ nhiệm, thầy Linh còn hoàn thành tốt nhiều công việc khác nhà trường giao. Làm chủ tịch công đoàn trường 8 năm qua, thầy Linh có nhiều đầu tư, biện pháp đổi mới, cải tiến cách thức hoạt động của tổ chức công đoàn nhà trường, ngày càng đi vào nề nếp, đạt hiệu quả cao hơn.
Trên vách tường vôi đã phai màu của nhà thầy, treo trang trọng khá nhiều giấy khen, bằng khen của huyện ủy Huyện Sơn Tịnh, Công đoàn ngành giáo dục Quảng Ngãi, Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam.
Sắp tới đây, thầy còn được nhà trường, Sở GD &ĐT Quảng Ngãi hoàn tất hồ sơ và đề nghị Chủ tịch nước khen thưởng Huân chương lao động hạng ba. Với quá trình 23 năm công tác bền bỉ, chưa một ngày nào vơi cạn nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc, trường lớp, học trò thân yêu, thầy giáo Lê Văn Linh hoàn toàn xứng đáng lời khen ngợi của đồng nghiệp, học sinh và các phần thưởng của các cấp.
Nguồn:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Co-mot-nguoi-thay-nhu-the-post148681.gd