Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Rèn tính cách cho trẻ dưới 6 tuổi

Ngay trong giai đoạn 0-6 tuổi, các bé cần được bồi dưỡng tính cách để có những phẩm chất tốt, giúp tạo nền tảng cho việc học tập và rèn luyện đạo đức về sau.

Phẩm chất, tính cách quyết định số phận con người. Tính cách đặt nền móng cho đạo đức, góp phần làm nên thành công về sự nghiệp và cuộc sống hạnh phúc cho mỗi người. Những nét tính cách tốt đẹp của con trẻ cần được chú trọng bồi dưỡng ngay khi các bé còn nhỏ.
Bé chăm sóc vườn cây.
Trường Mầm non Saigon Academy được chuyển giao đầy đủ bản quyền của Chương trình giáo dục sớm theo Phương án 0 tuổi, trong đó ưu tiên hàng đầu là bồi dưỡng tính cách cho các bé, ngay trong giai đoạn 0-6 tuổi.
Phẩm chất, tính cách của con người được thể hiện trên nhiều phương diện. Nếu trẻ được dạy dỗ sớm để có được phẩm chất tốt đẹp thì khi trưởng thành, các bé sẽ sở hữu đức tính: vui vẻ - linh hoạt; Yên lặng và tập trung chú ý; lòng dũng cảm và tự tin; yêu lao động và biết quan tâm đến người khác; lòng hiếu kỳ và tính sáng tạo và có tinh thần độc lập.
Bé học làm củ kiệu.
Tại trường mầm non Saigon Academy, tính cách vui vẻ linh hoạt của trẻ được chú trọng bồi dưỡng qua 6 hình thức: biểu đạt tình cảm (trẻ vui vẻ, tươi cười, biết vui đùa cùng người lớn); biểu đạt ngôn ngữ phong phú (trẻ được tập phát âm rõ, thích nói chuyện, thích kể chuyện, thích đọc thơ); tư thế linh hoạt (trẻ được bồi dưỡng khả năng hát, nhảy múa, vận động, thích chơi trò chơi và tham gia nhiều hoạt động tại trường); cảm nhận linh hoạt (trẻ được tập ghi nhớ nhanh các sự kiện đã nhìn qua, nghe qua và làm qua); hai bàn tay linh hoạt (trẻ được tự tay làm ra sản phẩm hàng ngày); tư duy linh hoạt (trẻ được hướng dẫn đặt câu hỏi, thảo luận và tranh luận, nhận biết mặt chữ và đọc sách).
Với phương pháp "học mà chơi, chơi mà học", giáo viên thu hút sự tập trung chú ý của trẻ khi chơi. Như vậy, toàn bộ cơ thể, tinh thần và trí tuệ của bé đều hướng vào trò chơi, khiến trẻ có được niềm vui và kết quả cao nhất. Lòng dũng cảm và tự tin của trẻ nhỏ chủ yếu được biểu hiện ở hai từ "không sợ": không sợ bóng tối, không sợ ngã, không sợ đau, không sợ uống thuốc, không sợ các loài côn trùng, không sợ phải ở một mình, không sợ hoàn cảnh và người lạ. Tính cách này có thể được bồi dưỡng tại gia đình cũng như ở trường học thông qua việc trải nghiệm thực tế, ở mức độ khả năng tâm lý mà trẻ có thể chấp nhận được.
Lòng tự tin của trẻ cũng được nuôi dưỡng để trẻ luôn cảm nhận mình là một đứa trẻ ngoan, có năng lực, vì vậy lúc nào các bé cũng vui vẻ. Ngoài ra, nhằm giúp trẻ nhỏ biết quan tâm đến người khác, giáo viên phải là người thể hiện sự quan tâm của mình đến trẻ, đến những người trong gia đình trẻ và mọi người xung quanh, như vậy trẻ sẽ học cách mô phỏng và làm theo theo kiểu "mưa dầm thấm lâu".

Các thầy cô giáo sẽ nuôi dưỡng lòng hiếu kỳ và tính sáng tạo của trẻ thông qua các hoạt động làm cho trẻ thích xem, thích nghe, thích sờ, thích làm, thích hỏi, thích ghi nhớ, thích mô phỏng, thích làm thí nghiệm, thích bày ra nhiều trò chơi, thích tự làm ra sản phẩm. Những kỹ năng mềm mà giáo viên chú trọng bồi dưỡng bằng cách hướng dẫn, tập cho trẻ làm hằng ngày để hình thành thói quen tốt sẽ nuôi dưỡng tinh thần tự lập cũng như độc lập cho các em, không dựa dẫm vào người khác, không ỷ lại người lớn. Nhờ đó, trẻ có thể tự làm một số việc trong khả năng như tự cất cặp và giày vào locker, tự cởi giày và vớ, tự mặc áo quần, tự dọn dẹp bàn ghế, tự xúc ăn, tự rửa tay, tự đi vệ sinh...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét