Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

“Kiệt tác” hay là trò nghịch ngợm

 Được coi là một cách thể hiện cá tính, việc biến tấu các bức ảnh trong sách giáo khoa thành những hình ảnh nghịch ngợm được khá nhiều học sinh ưa thích nhưng với con mắt của nhà giáo thì đây là một trò nghịch ngợm, thiếu văn hóa.

Xem các tin khác tại: http://giasutainhaedu.blogspot.com
Hội những người thích vẽ bậy

Trên Facebook và nhiều trang mạng xã hội của học sinh hiện nay xuất hiện nhiều hình ảnh vẽ bậy sách giáo khoa. Rất nhiều chân dung các nhà Khoa học, Sử học hay các nhà Văn, nhà Thơ trong sách Lịch sử, Văn học, Vật lý... biến thành những nhân vật nổi tiếng thời nay như ca sĩ, cầu thủ bóng đá hay những nhân vật hoạt hình, phim ảnh được ưa thích như Pikachu, Tôn Ngộ Không rồi kể cả hình ảnh cướp biển vùng Caribbean. Không chỉ thêm râu, thêm tóc, các bức hình được phóng tác theo nhiều trường phái tràn ra hết các trang sách.

Khi những bức hình này được đăng tải lên các trang mạng, khỏi phải nói đến sự cổ vũ của các fan. Phong trào được một thành viên trong hội mô tả “vẽ bậy trong sách là nghệ thuật, người vẽ bậy là nghệ nhân, thứ bị vẽ bậy là kiệt tác”. Nhiều bậc đàn anh thì bình luận “giới trẻ bây giờ vẽ đẹp thật, hơn hẳn thế hệ mình ngày xưa”. Cũng không ít các hồi tưởng được chia sẻ về một thời “mài đũng quần trên ghế nhà trường” rằng “nhớ lúc còn học lớp 8, lấy sách Lịch sử vẽ bậy một lãnh tụ nước ngoài bị cô giáo bắt viết kiểm điểm”. Theo một thành viên của hội này thì hiện Facebook của nhóm đã thu hút tới 21.000 “nickname” đăng ký truy cập thường xuyên.

“Thừa giấy vẽ voi”

Lý giải về sức hút đặc biệt đối với phong trào này, Nguyễn Văn Lâm, học sinh trường THPT Đống Đa cho biết, nhiều tiết học quá khô khan với học sinh nên phải tìm cách xả “stress”. Như môn Lịch sử thì với nhiều học sinh thi ĐH khối A, tự cho là mình chẳng liên quan gì đến môn học này nên việc học trên lớp như “tra tấn” thế nên nhiều bạn tự giải trí bằng cách vẽ bậy vào sách giáo khoa và coi đây là một hình thức luyện tay nghề hay thể hiện tài lẻ “lấy le” với bạn bè. Không phủ nhận bản thân cũng hay vẽ bậy lên sách, Lâm cho biết: “Vì ngồi trong lớp chẳng có gì làm, học các môn học phụ, không cần thiết nên không vào đầu, sử dụng điện thoại di động thì bị thầy cô thu ngay, thế nên có mỗi cuốn sách giáo khoa để thỏa sức phóng tác”.

Cô Nguyễn Khánh Linh, giáo viên trường Hoàng Diệu cho biết việc học sinh vẽ bậy vào sách giáo khoa là chuyện diễn ra hàng ngày. “Nhiều hình ảnh giáo viên khi nhìn thấy cũng rất buồn cười vì đầu óc học trò nghĩ ra rất nhiều hình ảnh dí dỏm, thông minh nhưng là cô giáo vẫn phải nhắc nhở các em không được làm vậy”. Tuy nhiên, cô Linh cho biết, nhiều trường hợp các em vẽ rất bậy bạ, cộng thêm những chú thích không văn hóa. Điều này vừa thể hiện các em không tập trung học tập trên lớp, coi thường thầy cô giáo vừa thấy rõ các em còn nhiều thiếu sót về ý thức, lối sống.

Thiếu văn hóa

“Vẽ thì cũng tùy cái vẽ, bôi bác cả lên hình của các nhà văn, nhà thơ thì hơi quá đáng” - không ít những bình luận được đóng góp cho hội những người thích vẽ bậy vào sách giáo khoa kiểu này. “Em thấy có khá nhiều bức hình phản cảm. Các bạn bôi xấu những nhà Văn, nhà Thơ... một cách cố ý” - Nguyễn Thùy Linh, học sinh THCS Tô Vĩnh Diện cho biết.

Nói về tình trạng này, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, trong trường cũng xảy ra tình trạng vẽ bậy nhưng khi phát hiện giáo viên rút kinh nghiệm với học sinh ngay. Thầy Tùng Lâm cho biết, ngay từ đầu các năm học, bao giờ trường cũng nhắc nhở học sinh để các em thấy rằng sách giáo khoa không phải là chỉ một học sinh dùng mà còn có thể để cho các em ở nhiều nơi chưa có sách sử dụng. Nhà trường thường tổ chức vận động học sinh ủng hộ sách giáo khoa cũ vào dịp cuối năm. “Mặt khác, tôi cũng nhắc các em rằng việc vẽ linh tinh như vẽ râu, vẽ kính thì đó là trò trẻ con. Học sinh cấp 3 đã lớn, có ý thức rồi thì phải ứng xử lịch sự”. Cũng theo quan điểm của thầy Lâm, việc học sinh rủ nhau lập hội rồi thi nhau vẽ bậy, chia sẻ hình ảnh trên mạng như một thú vui, phản ánh rằng nhận thức của các em về cái đẹp không chuẩn. Đặc biệt, điều này còn thể hiện cách sống tùy tiện, thiếu văn hóa.

Nguồn kênh 14

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét