Lãnh thổ thực của Trung Quốc hình thành như thế nào?
Nền văn minh cổ đại của Trung Quốc xuất hiện sớm nhất và ổn định lâu dài trên lưu vực sông Hoàng Hà. Vào thời khuyết sử, các bộ tộc, bộ lạc và liên minh bộ lạc trong quá trình gặp gỡ, đồng tồn tại, tiêu diệt và thôn tính lẫn nhau, thì chưa thể xác định lãnh thổ cụ thể được. Trên cơ sở cư trú hoàn toàn tự nhiên thì lãnh thổ của nền văn minh đó là lưu vực sông Hoàng Hà.
Qua hết Tam Hoàng, Ngũ Đế, trải qua nhà Hạ, nhà Thương, cho đến Tây Chu, lãnh thổ của quốc gia cổ đại này chưa mở rộng khỏi lưu vực sông Hoàng Hà.
Trong thời Chu, ở lưu vực sông Trường Giang, nhiều bộ tộc cư trú ở đó độc lập phát triển đã hình thành nên các quốc gia của họ, tiêu biểu là các nước Sở, Ngô và Việt.Sử kí của Tư Mã Thiên còn ghi rõ rằng giai đoạn đầu nước Sở ở phương Nam vì không phải là đất phong của nhà Chu nên không tôn Chu, đã “tiếm hiệu” xưng vương và sai người đến hỏi đỉnh nhà Chu nặng nhẹ ra sao. Chi tiết này rất quan trọng vì nó chỉ ra tính chất độc lập rõ rệt của các nước vùng lưu vực sông Trường Giang mà nước Sở là đại diện trong dấu hiệu tranh giành thiên hạ với nhà Chu.
Trải qua thời Xuân Thu – Chiến Quốc, khi nước Ngô, nước Việt dần dần lớn lên, thay nhau làm bá chủ chư hầu, đến Việt Vương Câu Tiễn sau khi đánh bại Ngô Vương Phù Sai và thôn tính nước Ngô thì có thể nói đến một khu vực ổn định thứ hai trong quá trình hình thành lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên câu chuyện Khuất Nguyên và lòng yêu nước của ông đã chỉ ra một cách hiển nhiên tính chất độc lập trong ý thức của cư dân vùng thứ hai đó.
Phải tới Tần Thuỷ Hoàng, lần đầu tiên Trung Quốc mới đạt tới một sự thống nhất thực sự về lãnh thổ. Đương nhiên những vùng đất phía Nam, Tây Nam, Bắc, Tây Bắc và Đông Nam Trung Quốc ngày nay đều nằm ngoài phạm vi kiểm soát của Thuỷ Hoàng đế. Cũng trong đời Tần Thuỷ Hoàng, xuất hiện một lời tâu của Vương Quán, Phùng Kiếp và Lý Tư: “Ngũ đế ngày xưa, đất chỉ vuông ngàn dặm, ngoài ra là đất đai của chư hầu và của Man Di, họ vào chầu hay không thiên tử cũng không sao cai quản được. Nay bệ hạ dấy nghĩa binh… bình định được thiên hạ, bốn biển thành quận huyện, pháp luật và mệnh lệnh đều thống nhất ở một nơi, từ thượng cổ tới nay chưa hề có, Ngũ đế đều không bằng”. Cả việc lấy hiệu là “Thuỷ Hoàng đế” cũng chứng tỏ rằng đó là vị vua đầu tiên thực sự có sự chi phối đối với toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc cổ đại.
Bắt đầu từ thời kỳ này trở đi, các vua chúa Trung Quốc có ý thức tự giác mở rộng quyền kiểm soát của vương triều ra các vùng đất mới khác. Về mặt hành chính, từ Tần-Hán, diễn ra một quá trình đối với các vùng đất ổn định và quá trình thần thuộc hoá đối với các vùng đất xa lạ không kiểm soát trực tiếp được. Đối với các vùng đất “xa ngoài Ngũ Lĩnh”, tứ di, nghĩa là các vùng đất mà cư dân không phải là người Hoa và chế độ hành chính không thể quận huyện hoá được, các hoàng đế Trung Quốc đặt ra lệ triều cống, buộc chính quyền ở các vùng đó xưng thần, chấp nhận uy quyền của “thiên triều”. Để làm được điều đó, họ sử dụng cả hai phương thức: gia ân và thị uy, hai thủ đoạn muôn thuở, kinh điển của “nghệ thuật thống trị”. Có thể nói đây là hình thái không hoàn chỉnh, tuy nhiên, lại sớm nhất trên thế giới của chủ nghĩa thực dân của các đế chế Trung Hoa phong kiến. Tuy nhiên, các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và khẳng định chủ quyền quốc gia của các bộ tộc, các vùng cư dân xung quanh đã nổ ra quyết liệt và dần dần thu được thắng lợi triệt để. Các vùng đó hình thành các quốc gia hoàn chỉnh và được chính hoàng đế Trung Quốc thừa nhận (các sắc phong cho vua Việt Nam, vua Triều Tiên v.v. đều có chữ “quốc vương”). Để có thể sống yên ổn bên cạnh một nước lớn như Trung Quốc nên tất cả các nước này đều buộc phải triều cống, phải xưng thần, tuy không bao giờ nhà nước và cư dân các vùng đó coi đất mình là đất Trung Quốc, cư dân mình là cư dân Trung Quốc cả.
Nhưng lịch sử đã không diễn ra chỉ một chiều: sự “đe nẹt” một chiều của các vua chúa Trung Quốc, mà ngược lại, lục địa Trung Hoa liên tiếp là bãi chiến trường của các quốc gia kế cận: các bộ tộc bị coi là di, địch liên tiếp tổ chức nhiều đợt tấn công vào lãnh thổ Trung Quốc nhất là các bộ tộc, các quốc gia phía Bắc, và rất nhiều trường hợp, các vua chúa Trung Quốc đành “buông xuôi xã tắc”. Điển hình nhất là sự thống trị của nhà Nguyên và nhà Mãn Thanh. Về phương diện lãnh thổ, chính sự thống trị của hai triều đại này đã đưa lại một sự mở rộng thêm và củng cố sự ổn định của lãnh thổ Trung Quốc, và hai vị hoàng đế có công nhất trong lịch sử Trung Quốc về phương diện này chính là hai ông vua ngoại tộc: Hốt Tất Liệt (triều Nguyên) và Khang Hi (triều Mãn Thanh).
Trải qua gần ba chục thế kỷ thịnh suy trị loạn đắp đổi về lãnh thổ, Trung Quốc có một số đặc điểm:
Có một vùng là cái nhân ổn định, đó là lưu vực hai con sông nói trên. Trong vùng này, tình trạng cát cứ là thường trực. Tuy có sự thống nhất về danh nghĩa, mà trên thực tế là không thể giải quyết được mâu thuẫn nội tại. Cơ cấu hành chính Trung Quốc mặc dù có chấn chỉnh thay đổi một số lần đã không có cách gỡ khắc phục tình trạng đó. Lịch sử Trung Quốc có vô số những cuộc bạo loạn, cuộc khởi nghĩa ở bất kì vùng nào trong cái nhân đó, nhằm chống lại chính quyền trung ương, và tình trạng giằng co níu kéo nhau đó, cái trạng thái cân bằng kì quặc và mong manh đó chưa hề được giải quyết một lần nào đáng kể. Do kết cấu đặc thù của một xã hội nông nghiệp ở một khu vực rộng lớn mà không có một cuộc xáo động dân cư nào đáng kể, do trình độ phát triển hết sức hạn chế và què quặt của chính quyền chuyên chế, nên hiện thời ở Trung Quốc còn tồn tại 49 phương ngữ trong một dân tộc Hán, mà những người sử dụng các phương ngữ khác nhau lại phải thông qua dịch thuật mới hiểu nhau, nên đã có nhiều người cho rằng đó là các ngôn ngữ khác nhau. Tiếng Bắc Kinh (tiếng phổ thông) không trở thành tiếng nói của đa số cư dân Trung Quốc. Cả 4 tiêu chuẩn kinh điển để khảo sát sự hình thành quốc gia dân tộc (L’ Etat- national) đều khiếm khuyết, dang dở, vị thành niên và vị thành niên một cách nghiêm trọng.
Chưa bao giờ có đường biên giới xét trên toàn cục. Chỉ có ở một số vùng, đường biên giới được hoạch định bằng các văn kiện nhà nước, trong đó các đoạn biên giới vì nhiều lí do mà được tạo ra sớm nhất, có sự ổn định tương đối và lâu dài nhất ấy có biên giới Trung Quốc – Việt Nam. Chính sử Trung Quốc cũng như chính sử Việt Nam đều ghi lại nhiều lần ở các triều đại khác nhau từ Lý, Trần cho đến nhà Nguyễn về sự kiện sứ bộ của hai nước đàm phán để hoạch định rõ ràng cương vực giữa hai nước và sự khẳng định về tính chất độc lập, rõ ràng về phương diện lãnh thổ đã thấm nhuần vào thơ văn, vào sử sách từ thời Lý Thường Kiệt cho tới Nguyễn Trãi, từ Trần Quốc Tuấn tới Ngô Thì Nhậm, tới tận ngày nay. Trong thời kì phong kiến, văn bản pháp lí cuối cùng có giá trị lịch sử là hiệp định biên giới kí kết giữa thực dân Pháp và triều đình Mãn Thanh. Mặc dù từ xưa đến nay, các chính thể ở Trung Hoa không muốn có biên giới – mà lý do chúng tôi sẽ trình bày kỹ ở phần sau – thì trên thực tế đường biên giới lịch sử đã được tạo ra và dần dần ổn định ở từng giai đoạn một. Nhưng cho đến tận thời kì Thanh Mạt, Trung Quốc vẫn chưa ổn định lãnh thổ của mình và giữ nguyên tình trạng đó, Trung Quốc bước vào thời kì cận hiện đại, bị các nước đế quốc thực dân phương Tây xâu xé, bị các nhóm quân phiệt khác nhau tranh hùng, cát cứ. Từ thời nhà nước Quốc dân Đảng trở đi, đã xuất hiện nhiều tấm bản đồ như ta đã biết.
Từ năm 1949 trở đi, khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời, có hai nhu cầu khách quan về lãnh thổ, đó là việc thống nhất quốc gia (giải phóng Đài Loan cùng những thành phố nhượng địa như Ma Cao, Hương Cảng và tổ chức hành chính lại ở bên trong nội địa Trung Quốc), và việc hoạch định biên giới với tất cả các nước láng giềng. Rất nhiều hiệp định biên giới được kí kết và nhiều tuyên ngôn về lãnh thổ được công bố, trong đó có thể nêu lên những tuyên bố long trọng của Chu Ân Lai tại hội nghị Băng Đung năm 1955 và nhiều cuộc tiếp xúc quan trọng khác giữa chính phủ Trung Quốc với các nước kế cận, trong đó nổi bật một nguyên tắc là chấp nhận đường biên giới lịch sử. Thế nhưng, sau ba mươi năm, cả hai vấn đề đã không được giải quyết: những phát ngôn về lãnh thổ của Trung Quốc rất thất thường, mâu thuẫn, và trong hoạt động thực tiễn, Trung Quốc đã gây xung đột với hầu khắp các nước, trong đó đã gây chiến tranh biên giới với Ấn Độ, Miến Điện, Afghanistan, Liên Xô, Mông Cổ, Việt Nam, nghiêm trọng nhất là chiến tranh Trung – Ấn 1962, Trung – Xô 1969 và Trung – Việt 1979. Không nghi ngờ gì nữa, tình trạng “vị thành niên” về mặt lãnh thổ của Trung Quốc vẫn còn tồn tại, cả bên trong lẫn bên ngoài, và trong tình hình thế giới hiện đại, Trung Quốc vẫn là nước phải gấp rút hoàn thành nhiều công việc về lãnh thổ phức tạp, vấn đề là họ sẽ hoàn thành theo hướng nào. Phải nói rằng trong thời kì Trung Hoa Dân quốc và thời kì Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tồn tại, người cầm quyền của các nhà nước này đã, vì nhiều nguyên nhân, mở rộng địa bàn kiểm soát ra một số vùng đất không thuộc lãnh thổ Trung Quốc trước kia, và trong cuộc chiến tranh Trung – Ấn, Trung Quốc đã chiếm một vùng đất khá lớn vốn trong truyền thống thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ. Ai cũng biết Trung Quốc vẫn còn nan giải trong việc hợp pháp hoá những vùng họ chiếm đóng trái phép đó. Có thể nói nhiều vùng khác trên đất Trung Quốc hiện thời không cùng lịch sử với vùng đất ổn định. Trong lịch sử, các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc bị áp bức, bị chà đạp, bị bóc lột và bị coi rẻ, bị làm nhục. Số phận các dân tộc ít người ở Trung Quốc hiện nay cũng đang chưa thoát khỏi tình trạng nạn nhân của tệ phân biệt chủng tộc đó và cuộc đấu tranh cho sự hoà hợp bình đẳng giữa các dân tộc vẫn còn là vấn đề thời sự Trung Quốc hiện nay.
Nguồn: Diễn Đàn Kiến Thức - Học Tập Suốt Đời