Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Trẻ được dạy học thuộc lòng văn mẫu

Thấy con tập làm văn bằng cách học thuộc văn mẫu đến từng dấu chấm, phẩy, chị Hiền (Hà Nội) sửng sốt khi nghe con giải thích "cô giáo dặn thế".

Sau bữa cơm tối, chị Lê Thanh Hiền (Ba Đình, Hà Nội) giúp con ôn tập làm văn chuẩn bị cho bài kiểm tra. Giảng xong phần ngữ pháp, đến tập làm văn, con gái đưa cho chị quyển văn mẫu đề nghị "mẹ giúp con kiểm tra lỗi nhé".
"Cháu đọc từng câu, mỗi khi dừng lại không quên đọc thêm chấm. Tôi hoảng quá hỏi thì con bé hồn nhiên trả lời cô giáo dặn thế mẹ ạ", chị Hiền kể.
Theo phụ huynh này, trước đó khi có bài tập làm văn về tả ông nội, chị đã hướng dẫn cháu làm bài hoàn chỉnh. Hôm sau về nhà, cháu buồn thiu vì bài làm chỉ được 6 điểm và mếu máo giải thích: "Cô giáo nói ông nội phải có tóc bạc phơ, đôi mắt hiền từ, nụ cười móm mém trong khi con tả ông cười khà khà, tóc vẫn còn đen vì nhuộm".
Từ hôm đó, con gái không nhờ mẹ hướng dẫn làm văn nữa mà tự học bằng cách đọc thuộc các bài văn mẫu. "Cháu bảo cô giáo dặn phải học thuộc để lúc đi thi trúng đề nào thì cứ thế mà làm", chị Hiền chia sẻ.
Trẻ học văn là học cách tư duy sáng tạo. Ảnh minh họa: Minh Thùy.
Cùng hoàn cảnh, chị Hiền Nga (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, con gái chị mới học lớp 4 nhưng mỗi khi đến ngày có bài kiểm tra tập làm văn là tối hôm trước hai mẹ con "căng như dây đàn". Chị giúp con lập dàn ý đầy đủ nhất, còn con gái thì lật hết các cuốn sách tập làm văn tham khảo để tìm bài mẫu có cùng đề bài.
"Cháu đọc rồi học thuộc các câu hay, thậm chí có câu miêu tả không đúng như những gì cháu thấy nhưng vẫn ghi vào vì như thế mới được điểm cao. Tôi thật sự giật mình vì cách nghĩ của cháu", chị Nga nói.
Chị kể, nhiều lần đã giải thích cho con rằng miêu tả là tả lại chân thực những gì nhìn thấy, cảm nhận được và so sánh với những thứ đã biết. Nhưng con gái chị không nghe vì "những lần trước con làm như mẹ nói toàn được điểm thấp, trong khi các bạn viết theo văn mẫu thì lại được điểm cao".
Không bắt học sinh học thuộc văn mẫu, nhưng cô giáo của bé Lan (Đống Đa, Hà Nội) lại đưa ra công thức miêu tả con vật và dặn học sinh học thuộc. Với mỗi đề bài, cô đều kẻ cột và ghi rõ thứ tự mở bài, thân bài, kết luận. Tương ứng với mỗi phần, cô nêu những bộ phận cần miêu tả và cho luôn "đáp án" để trẻ lựa chọn, lắp ghép. Ví dụ tả con chó, cô hướng dẫn miêu tả cái đuôi cong lên hình dấu hỏi hoặc ngoe nguẩy; con gà thì đầu như cái chén và cái mào đỏ chót.
"Ưu điểm của cách dạy này là giúp học sinh không bỏ sót ý, tuy nhiên đôi khi nó cũng gây ra những chuyện cười ra nước mắt khi trẻ lắp sai công thức. Con gái tôi từng ghép các từ theo cú pháp của cô thành câu con gà mái nhà em có cái mào đỏ chót. Thậm chí bình thường cháu được điểm rất cao, nhưng khi đi thi vào đề chưa từng làm bao giờ, cháu loay hoay mãi không biết viết ra sao", mẹ bé Lan chia sẻ.
Để trẻ miêu tả con vật hay quang cảnh, nhiều phụ huynh cho rằng nên để trẻ được nhìn và quan sát. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Không đồng tình với cách cô giáo dạy học sinh học thuộc văn mẫu, nhiều phụ huynh cho rằng, văn là cảm xúc, là quan sát và được thể hiện bằng ngôn ngữ viết. Khi trẻ viết chính là lúc suy nghĩ lại và bộc lộ cảm xúc của mình. Việc để trẻ viết đúng như những gì chúng nghĩ (có sự hỗ trợ của cha mẹ, thầy cô) là cách để chúng phát triển tư duy sáng tạo.
"Nếu cứ học thuộc văn mẫu, ngôn ngữ của trẻ chỉ bó hẹp trong một số từ ngữ có sẵn, lối mòn và sáo rỗng. Đôi khi tính trung thực của trẻ bị ảnh hưởng bởi nguyên tắc tả mẹ phải có dáng thanh mảnh, gương mặt hiền từ, ông phải tóc bạc, cười móm mém trong khi thực tế chúng nhìn thấy không như vậy", một phụ huynh nhận định.
Anh Mạnh Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) thì chia sẻ, tập làm văn nên để trẻ tự làm, cô giáo khi ra đề cần hướng vào những gì thân thuộc, gần gũi mà các em đã nhìn thấy, đã biết đến, tránh trường hợp trẻ ở nông thôn chưa bao giờ ra Hà Nội nhưng lại phải tả hồ Gươm, trẻ ở thành thị chưa nhìn thấy cánh đồng lúa lại phải tả cảnh được mùa.
"Nguyên tắc tả bao giờ cũng là từ xa đến gần, từ lúc nhỏ đến lúc lớn, từ bên ngoài đến các chi tiết, thói quen sinh hoạt, từ đó nêu cảm nhận. Tôi thấy đối với đề tả con vật mà trẻ chưa được nhìn thấy, cô giáo nên dẫn học sinh đến công viên, hướng dẫn trẻ quan sát và viết bài, từ đó uốn nắn cho các cháu", anh Hùng góp ý.
Theo VNEXPRESS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét