Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Tự học – Một phương pháp học tập hiệu quả

Sau mỗi mùa thi cử, những gương mặt thủ khoa các trường Đại học lại xuất hiện. Điều đáng nói, phần đông các thủ khoa đều xuất thân từ con nhà nông, nhà nghèo. Không có tiền chạy theo những khóa ôn thi này nọ, các em đã tìm ra cho mình con đường tới đích hiệu quả nhất, đó là “tự học”.
Trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy trong giáo dục thì vai trò của người học đã có sự thay đổi, học sinh là trung tâm lớp học, là chủ thể tích cực chủ động sáng tạo của quá trình học tập. Bên cạnh việc học ở lớp dưới sự hướng dẫn của giáo viên thì người học còn phải tự nghiên cứu, tự tìm hiểu khám phá để lĩnh hội tri thức. Không những thế, về mặt tâm lý học cũng cho thấy việc tự học sẽ làm cho người học phát huy được hết nội lực đem lại hiệu quả hơn trong quá trình học tập.
Tự học sẽ giúp tập trung tâm trí, thời gian để ôn bài, bổ sung lỗ hổng kiến thức, phát hiện tìm tòi nhiều điều hay, tìm ra phương pháp làm bài khoa học. Tự học giúp ghi nhớ kiến thức từng bài, từng phần một cách dứt điểm, lâu bền, sâu sắc và logic, giúp thí sinh đi thi làm bài chính xác, ngắn gọn, sáng tạo, đạt điểm cao.
Tự học có tác dụng lâu dài. Tự học giúp học sinh không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng thời trang bị cho các em năng lực, hứng thú, thói quen, có phương pháp tự học thường xuyên và suốt đời. Qua đó giúp các em rèn luyện đức tính tự lập, ít phụ thuộc vào người khác đặc biệt là thầy cô ở trường. Từ đó chất lượng học tập của các em sẽ được đánh giá thực chất hơn.
IMG_0945
Thực tế ngày nay cho thấy, học sinh chưa có thói quen tự học và năng lực tự học còn nhiều hạn chế. Phần lớn học sinh quá thụ động và kiến thức có được chủ yếu do giáo viên cung cấp nên rất lười suy nghĩ và thiếu sáng tạo trong học tập. Một số khác tuy đã có ý thức tự học nhưng chưa có kỹ năng nên chưa đem lại kết quả cao. Cũng chính vì chỉ học gói gọn trong các bài giảng trên lớp nên dẫn đến tình trạng học sinh phải đi học thêm tràn lan, thời gian học tại nhà lại rất ít. Từ đó các em không có sự độc lập trong suy nghĩ, phụ thuộc vào thầy cô và bị tác động, áp lực từ điểm số, kết quả không thực chất. Rất nhiều em mặc dù đi học tối ngày song học lực chỉ ở dạng trung bình, không có thời gian cho bản thân đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe.
Vì vậy, phụ huynh cần phải quan tâm đến vấn đề tự học của học sinh và cần giúp cho các em có được một kỹ năng tự học thật tốt, nhất là đối với học sinh THPT. Điều này sẽ giúp các em có thể thích ứng ngay với việc học đại học sau này.
Lò luyện không thể thay tự học
Chia sẻ của hàng chục thủ khoa ở các trường đại học, học viện trong mùa thi Đại học 2012- 2013 đều cho thấy trên 90% số thủ khoa tự ôn thi ở nhà và cho rằng đây là phương pháp hiệu quả.
Cứ gần đến kỳ thi, các bậc phụ huynh có con thi đại học lại tấp nập tìm lò luyện thi cho con với mong muốn con được bổ sung những kiến thức “sát đề” “trúng đề”. Nhưng hầu hết các thủ khoa đều nói rằng, việc tới lò luyện thi chỉ là giải pháp tâm lý. Có lò luyện thi số lượng học sinh lên đến 600- 700 người, học sinh không nhìn thấy thầy mà chỉ nghe thấy giọng. Như vậy, nếu không học hành nghiêm túc, đến để “chém gió”, tìm bạn… thì lò luyện chỉ tốn thời gian mà không đem lại hiệu quả.
Bí quyết tự học 
Xuất phát từ lợi ích của việc tự học, các nhà khoa học đã đưa ra lời khuyên đối với phụ huynh, nhà trường cần sớm rèn luyện kỹ năng tự học cho học sinh. Tự học sẽ giúp các em có được những kiến thức cơ bản, nền tảng tạo nên học vấn của mình. Nhờ những kiến thức này mà các em có thể lĩnh hội được những kiến thức cơ sở chuyên ngành.
Muốn có kỹ năng tự học và không phụ thuộc nhiều vào bài giảng trên lớp, học sinh cần có kế hoạch học tập hợp lý, một công cụ ghi nhớ thật khoa học, phân chia lượng thời gian học tập ở trường và ở nhà cân đối. Trên hết là phải kiên trì, chịu khó.
Tùy vào đặc điểm của từng môn học mà việc rèn luyện kỹ năng tự học của học sinh cũng có những nét đặc thù riêng. Ví như, Toán học cũng là một môn khoa học nghiên cứu về các quan hệ số lượng, hình dạng và logic trong thế giới khách quan. Vì vậy, Toán học so với các môn học khác có các đặc điểm cơ bản đó là tính trừu tượng cao, tính thực tiễn phổ dụng và tính logic. Chính những đặc điểm này đã tác động không nhỏ đến việc rèn luyện kỹ năng tự học của học sinh. Nó đòi hỏi học sinh ngoài giờ lên lớp cần phải dành thời gian ở nhà để suy nghĩ, đào sâu, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ sách giáo khoa cũng như ở trong các nguồn tài liệu khác mới có thể hiểu rõ và nắm vững các nội dung kiến thức…
Trước khi đến lớp, cần đọc trước nội dung chương mục, ghi câu hỏi, cố gắng đề xuất câu trả lời, sau đó đối chiếu với câu trả lời của thầy cô, bạn bè. Tham gia giờ học đầy đủ và ghi chép các ý chính, các ý phát triển… một cách có hệ thống. Sau buổi học cần làm bài tập, tự học qua sách, tài liệu từ Internet một cách nghiêm túc.
Ngoài việc nắm vững kiến thức đã có, học sinh nên tự làm đề từ sớm. Sau khi làm cần tự chấm điểm và tìm ra cái sai của mình để tự sửa. Ôn thi, nếu không biết tận dụng thời gian để tự nghiên cứu, tự học sẽ không đạt kết quả tốt.
Để việc học có hiệu quả, học sinh cần có thái độ tự học nghiêm túc, có kỷ luật, nỗ lực hoàn thành mọi bài học theo kế hoạch đặt ra, luôn cầu thị, không tự bằng lòng với kiến thức đã có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét