Việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề biển đảo có ý nghĩa như thế nào là câu hỏi của đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa sáng 3/6.
Năm 2012, đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa từng yêu cầu thí sinh nêu hiểu biết về vấn đề biển đảo, đánh bắt hải sản xa bờ có ảnh hưởng như thế nào đối với kinh tế và quốc phòng an ninh. Năm nay, đề thi tiếp tục theo đuổi vấn đề thời sự nóng bỏng này bằng câu hỏi “Việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề biển đảo có ý nghĩa như thế nào?”.
Ngoài ra, đề Địa 2013 còn đề cập đến một vấn đề thời sự là việc làm. Trong bối cảnh thất nghiệp gia tăng do tình hình kinh tế khó khăn, đề Địa đã buộc thí sinh phải tư duy với câu hỏi: “Nguồn lao động nước ta có những thế mạnh gì? Tại sao việc làm là vấn đề kinh tế xã hội lớn ở nước ta hiện nay?”.
Tại Hà Nội, ở điểm thi THPT Minh Khai (Từ Liêm), thí sinh Anh Thư cho biết, đề thi tương đối dễ, dựa vào Atlat là có thể làm tốt. Riêng câu hỏi về biển Đông, Thư đã đoán trước sẽ có một câu vì vấn đề này đang nóng. Chính vì vậy, Thư đã đọc trên mạng, tìm hiểu về vấn đề biển Đông và mối quan hệ giữa các nước có liên quan. “Em rất hào hứng với dạng đề thi này bởi không đơn thuần là kiến thức mà nó còn giúp chúng em hiểu hơn về biển đảo đất nước, từ đó thêm yêu và cố gắng xây dựng, bảo vệ quê hương”, Thư nói.
Tại điểm thi ở trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông), phần lớn thí sinh nhận định đề Địa dài, khó hơn mọi năm. Nhiều em không làm hết hoặc phải bỏ dở giữa chừng. Không hài lòng lắm với bài thi của mình, Vũ Trọng Hiếu, THPT Lê Quý Đôn tiếc rẻ vì phải bỏ một câu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nam sinh này cho hay, nhiều phần câu hỏi trong đề cậu chưa kịp học. “Đề Địa năm nay sát chương trình nhưng dài và hơi khó. Nếu thầy cô chấm thoải mái thì may ra em mới được 7 điểm”, Hiếu nói.
Tại Thanh Hóa, phần đông thí sinh cho rằng đề không quá khó, bám sát chương trình nhưng dài. Tại điểm thi trường THPT Hoằng Hóa 4, nhiều thí sinh rời phòng thi với tâm trạng không vui. “Kết thúc 90 phút nhưng em chỉ làm được khoảng 70%. May mắn thì được 5-6 điểm thôi”, thí sinh Lê Ngọc Sỹ, trường THPT Hoằng Hóa 4, nói.
Ngoài ra, ở câu hỏi số 3 trong đề Địa có phần kiến thức về tình hình biển đảo cũng khiến nhiều thí sinh không chuyên bất ngờ. Em Lê Thị Thùy Linh, THPT Hàm Rồng cho biết, vì không theo chuyên ban C nên không quan tâm nhiều đến môn Địa, do đó không tìm hiểu sâu về vấn đề thời sự này. “Em có nghe báo đài nói nhiều về biển Đông, tuy nhiên em không lưu tâm nên bỏ qua câu hỏi này”, Linh nói và cho biết, không ít bạn cùng phòng đã “bỏ qua” câu hỏi mở này.
Tại Đà Nẵng, các thí sinh rời trường thi trong tiết trời nắng gắt. Nhiều học sinh chuyên ban A ở các hội đồng THPT Nguyễn Huệ, Trần Phú, Phan Chu Trinh… không mấy hài lòng khi không phải sở trường nhưng vẫn tự tin làm được khoảng 60%. “Kiến thức đều tập trung trong sách giáo khoa nhưng do chủ quan, ôn tủ nên em làm bài không được tốt”, thí sinh Lê Quang Tú, trường THPT Nguyễn Hiền nói.
Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Hữu Minh Trí (học sinh trường chuyên THPT Phan Chu Trinh) cười tươi khi rời phòng thi tại hội đồng THPT Nguyễn Huệ từ khá sớm. Trí đánh giá đề Địa sát chương trình, câu vẽ biểu đồ không đánh đố khi cho vẽ cột và đường. Việc được mang Atlat vào phòng thi cũng tạo tâm lý thoải mái cho thí sinh.
Đánh giá câu phân tích sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ, Minh Trí cho rằng kinh tế miền Trung hiện nay cần tập trung vào nguồn lợi thủy hải sản sẵn có. “Em biết Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển khai thác thủy hải sản ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên sự hỗ trợ này cần thực hiện liên tục, đầy đủ và quy mô mở rộng hơn”, Minh trí kiến nghị.
Tại TP HCM, là một trong những thí sinh ra khỏi phòng thi sớm nhất ở Hội đồng thi THPT Nguyễn Thị Minh Khai(quận 3), thí sinh Nguyễn Thị Phương Uyên cho biết, đề chủ yếu dùng kiến thức thực tế hơn là kiến thức sách giáo khoa. “Bọn em được ôn thi chủ yếu ở các phần trọng tâm gồm 7 vùng kinh tế và phần địa lý tự nhiên, tuy nhiên đề thi chỉ có câu “Trình bày đặc điểm địa hình vùng núi Đông Bắc”, còn lại là câu hỏi theo hướng mở, khai thác kiến thức tổng hợp của thí sinh là chính”, Uyên nói.
Còn Nguyễn Minh Tuấn đánh giá đề thi ở mức trung bình, với Tuấn là dân học khối C thì làm bài khá tốt, nhưng với học sinh trung bình thì để đạt điểm cao không dễ. Hơn nữa, đề thi chủ yếu dùng kiến thức bản thân vận dụng vào làm bài, không có khung chuẩn nào, nên không thể đánh giá được mình làm như vậy đã đúng hướng hay chưa. Tuấn cho rằng cái hay của đề là đưa vấn đề thời sự việc làm vào, nếu chịu khó xem thời sự thì có thể làm bài sinh động hơn.
Dưới góc nhìn của giáo viên, cô Nguyễn Thị Minh Đỗ, giáo viên Địa lý THPT Đào Duy Từ (Hà Nội) nhận định, đề thi năm nay so với năm trước kiến thức nhẹ hơn, nhưng vẫn trải dài chương trình từ tự nhiên đến lao động, việc làm, kinh tế… phù hợp với trình độ học sinh. Câu hỏi về biển đảo tương đối nhạy cảm. Theo cô Đỗ, nếu giáo viên có kinh nghiệm sẽ dạy kỹ phần này vì đây là vấn đề phù hợp với tình hình thời sự và không quá khó. “Điểm thi sẽ cao hơn năm trước, phổ điểm trung bình khoảng 5-7 điểm”, cô Đỗ nói.
Còn cô Bồ Thị Phương Thu, nguyên tổ trưởng Bộ môn Địa lý trường THPT Trần Phú, cho rằng đề Địa khá hấp dẫn khi đưa vấn đề biển đảo mang đậm tính thời sự và có ý nghĩa tuyên truyền về chủ quyền biển đảo. Dù không đề cập cụ thể, nhưng học sinh vẫn phải trình bày về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vấn đề này đã có trong chương trình nên học sinh chăm chỉ ôn luyện vẫn có thể làm tốt.
Cũng theo cô Thu, đề Địa năm nay thiên về học thuộc nhiều hơn là kỹ năng như những năm trước. Trong khi thực tế hiện nay học sinh chủ yếu chuyên ban A, khi ôn luyện cùng lúc nhiều môn cho kỳ thi tốt nghiệp các em sẽ thiên về ôn luyện kỹ năng đọc Atlat, xử lý số liệu chứ không học thuộc nhiều. “Chỉ có hai câu liên quan đến sử dụng Atlat và xử lý số liệu nên nhiều em sẽ khó đạt điểm cao môn Địa”, cô Thu nhận định.
Chiều nay thí sinh sẽ dự thi trắc nghiệm môn Sinh với thời gian 60 phút.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét