Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

NICOLAI OXTROVSKI Và tác phẩm THÉP ĐÃ TÔI THẾ ĐẤY

NICOLAI OXTROVSKI (1904-1936)

Nhà văn N. Oxtrorovski và tiểu thuyết “Thép tôi đã thế đấy” của ông là một hiện tượng đặc biệt trong đời sống văn học Nga Xô viết và văn học thế giới nói chung. Trong các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam, nhất là ở hậu phương của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cuốn tiểu thuyết đã trở thành người bạn thân thiết, bạn đồng đội và kỷ niệm không thể phai mờ.

I - VÀI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI SÁNG TÁC

N.Oxtrorovski sinh ngày 29.4.1904 tại một làng quê Ukraina trong một gia đình lao động nghèo. Năm lên 11 tuổi, Nicolai cùng gia đình chuyển lên thị trấn, anh băt đầu lao động để kiếm sống. Tháng 7.1919, anh cùng 5 thanh niên đầu tiên của thị trấn được kết nạp vào Đoàn Thanh Niên Cộng Sản. Sau đó anh tình nguyện gia nhập hồng quân. Bị thương, ra viện, về nhà nghỉ với gia đình. Lên thành phố Kiev để học tập và công tác. Năm 1921, anh vào học lớp trung cấp kỹ thuật điện của ngành đường sắt và làm thợ phụ sửa điện ở xưởng sửa chữa đường sắt. Mùa thu năm 1922, anh cùng một nhóm thanh niên Kiev ngừng học tập đến công trường Baiarơca để xây dựng một nhánh đường sắt. Tại đây anh bị ngã bệnh thương hàn, đưa về tuyến sau điều trị. Tháng 8.1924, anh được kết nạp vào Đảng Bonsevich.

Từ cuối năm 1924, anh phải đi chữa bệnh ở Khaccốp rồi lại chuyển đi nhiều bệnh viện và trại điều dưỡng khác. Cuối năm 1926, anh lập gia đình và bệnh tật lại quật ngã anh. Trên giường bệnh anh vẫn cố gắng học tập và đọc sách. Anh xin học hàm thụ trường Đại học Xverlop.

Đến tháng 11.1928, anh bị đau mắt nặng phải bỏ học, ít lâu sau bị mù hẳn.

Đầu năm 1930, anh bắt đầu viết cuốn tự truyện “Thép đã tôi thế đấy” và cuối năm 1933 thì hoàn thành. Cuối năm 1934, anh bắt tay vào viết “Ra đời trong bão táp”, viết xong tập I, không viết xong tập II vì sức khỏe suy kiệt.

N.Oxtrorovski mất ngày 22.12.1936 lúc 32 tuổi.

II - TIỂU THUYẾT THÉP TÔI ĐÃ THẾ ĐẤY

Là một cuốn truyện mang nhiều yếu tố tự thuật. Cuộc đời nhân vật Paven Corsaghin gần trùng khớp với cuộc đời tác giả. Một số nhân vật khác trong truyện cũng có nhiều nét giống với bạn bè, đồng chí của anh, trong đó có một số ít được giữ nguyên tên họ.

Nội dung tác phẩm phản ánh chân thực quá trình hình thành thế hệ thanh niên Xô Viết đầu tiên nhận lấy sứ mệnh lịch sử chiến đấu bảo vệ chính quyền Xô Viết và xây dựng xã hội mới sau cách mạng, cuộc nội chiến ở Ukraina và toàn liên bang.

Đó là sự hình thành nhân sinh quan cộng sản và lý tưởng xã hội chủ nghĩa của các nhân vật chính, qua sự tôi luyện khắc nghiệt trong máu lửa của cách mạng và trong cuộc sống cực kỳ gian khổ những ngày đầu thời kì Xô Viết.

Thông qua tựa đề cuốn truyện, nhà văn nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của sự tôi luyện trong hoàn cảnh thực tiễn đấu tranh cách mạng. Và chỉ ra đặc trưng tinh thần của thế hệ đó là ý chí kiên cường và lòng dũng cảm.

Hai chủ đề đó thể hiện tập trung và sinh động qua hình tượng nhân vật Paven Corsaghin.

Từ một cậu bé nghèo khổ, thất học, sớm phải lao động vất vả kiếm sống, Paven đến với cách mạng hồn nhiên, hăng hái. Qua cuộc chiến đấu ác liệt ngoài mặt trận và khắc nghiệt trên công trường, anh trở thành chiến sĩ cách mạng, đảng viên Bonsevich và sau cùng thành một nhà văn sáng tác trong hoàn cảnh bệnh tật hiểm nghèo - cuộc đấu tranh gay go cuối cùng của anh.

Trong một bản dịch cuốn truyện này sang tiếng Anh, dịch giả đã đổi tựa đề thành “Trở Thành Anh Hùng”. Đúng là cuộc đời Paven và các đồng đội đã trải qua cuộc tôi luyện quyết liệt để trở thành người anh hùng có ý chí sắt thép, gắn liền với cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản.

Ở Paven, trước hết là quá trình trưởng thành ý thức giai cấp, ý thức đồng đội và rũ bỏ những thói quen xấu là tính tự do vô kỷ luật và hành động theo bản năng.

Không có sự dìu dắt của những người cộng sản như Giukhơrai, Tocarep … và những đồng đội như Giacki, Pankratop … thì Paven không thể trở thành người anh hùng.

Lời nói nổi tiếng sau đây của Paven được thể hiện trong ý nghĩ của nhân vật khi đứng trước mồ các liệt sĩ: “Cái quí nhất của con người là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và nhỏ nhen của mình để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao cả nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

Nhân vật Paven còn được mô tả sinh động trong cuộc sống riêng tư phong phú của anh.

Mối tình đầu của Paven là một người con gái xinh đẹp Tonhia, con gái viên chức kiểm lâm giàu có và anh đã đón nhận một cách chân thành, trong sáng. Nhưng rồi mối tình đó không diễn ra trên một hòn đảo mộng mơ mà ở trên mảnh đất nóng bỏng đấu tranh giai cấp nên cuối cùng số phận tình yêu đã được định đoạt. Paven không thể rời bỏ cách mạng, còn Tonhia không đủ can đảm đi cùng anh. Anh nói với cô “Em đã có gan yêu một công nhân, nhưng em không đủ can đảm để yêu lý tưởng của người ấy ”. Cái buổi chiều cuối cùng của mối tình đầu rất đẹp ấy đã được miêu tả hết sức chân thực và cảm động.

Mối tình thứ hai thầm lặng với Rita - người cán bộ Đoàn- diễn ra thật trong sáng và đẹp đẽ, như đã có sẵn một tình yêu giai cấp làm nền tảng. Chỉ do một sự hiểu lầm của Paven và cũng do hoàn cảnh cuộc nội chiến, tin tức gián đoạn, đến khi tình cờ gặp lại thì đã muộn. Cả hai người đã cố gắng vượt qua cái đã mất để giữ gìn và làm đẹp thêm cái còn lại giữa hai người là tình bạn, tình đồng chí cao cả. Đọc lá thư của Rita gởi cho Paven sau Đại Hội Đoàn Toàn Quốc, chúng ta vừa xúc động vừa quí mến họ, những con người biết sống đẹp vì một cái gì khác, lớn hơn cái tôi của mình.

Mối tình thứ ba, mối tình cuối cùng của Paven. Trong thời gian điều dưỡng, anh quen biết gia đình cô gái nghèo Taia có một ông bố quá quắt. Anh đã tỏ tình với Taia để giải thoát cô khỏi cảnh gia đình tồi tệ. Họ cưới nhau và sống êm đềm về tinh thần hơn là về vật chất. Họ sống cho nhau, vì nhau trong những năm Paven nằm trên giường bệnh, vật lộn với tử thần để “trở lại đội ngũ” bằng cây bút - vũ khí của mình.

Hình tượng Paven Corsaghin là khuôn mặt tinh thần tiêu biểu cho thế hệ thanh niên Xô viết đầu tiên, thế hệ trẻ của đất nước Xô viết trong thời kỳ đầu tiên “lấy tinh thần thắng vật chất”, họ chỉ có đôi mắt rực cháy niềm tin lý tưởng là biểu hiện sinh động duy nhất sức mạnh vô địch của họ.

Cuộc đời của nhà văn N.Oxtrorovski tuy ngắn ngủi, tác phẩm của ông thành công chỉ có một, nhưng ông đã lập nên kỳ tích chưa từng có trong lịch sử văn học thế giới: Chưa có ai như ông ốm đau liệt giường, bị mù cả hai mắt rồi mới học tập và viết văn. Tác phẩm viết ra có một sức sống và sức mạnh khác thường. Tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” đã phát huy tác dụng giáo dục động viên hết sức to lớn đối với các thế hệ trẻ Liên xô và nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.

( Trích trong giáo trình Văn học Nga - Th.s Phùng Hoài Ngọc biên soạn )
Nguồn: hocban.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét