Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Sự hình thành trật tự hai cực Ianta

1.1. Khái quát tình hình thế giới sau chiến tranh

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đã dẫn tới những chuyển biến căn bản của tình hình quốc tế. Chiến tranh đã làm thay đổi hoàn toàn so sánh lực lượng trên phạm vi thế giới. Châu Âu, với địa vị trung tâm của thế giới kể từ khi chủ nghĩa tư bản ra đời, bị suy yếu nghiêm trọng. Các nước tư bản đứng đầu châu Âu như Anh, Pháp đều bị chiến tranh tàn phá. Dù là nước thắng trận nhưng Anh, Pháp đều không thể mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình như thời kì sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, hơn thế nữa, ngay cả sự thống trị đối với những vùng đất thực dân cũ cũng bị đe doạ. Các nước phát xít, kẻ thù chung của nhân loại đã bị tiêu diệt và hoàn toàn kiệt quệ. Châu Âu bị tách thành hai khối Đông và Tây. Trong lúc đó, nước Mĩ đã vươn lên hết sức nhanh chóng về thế và lực, trở thành một siêu cường khống chế toàn bộ thế giới tư bản chủ nghĩa. Khi chiến tranh kết thúc, nước Mĩ chiếm gần 60% tổng sản lượng công nghiệp, 3/4 trữ lượng vàng của thế giới tư bản và là chủ nợ lớn nhất trên thế giới. Về quân sự, Mĩ đứng đầu thế giới tư bản về lục quân, hải quân, không quân và nắm độc quyền về bom nguyên tử trong thời gian đầu sau chiến tranh. Các nước tư bản châu Âu và Nhật đều phải dựa vào sự giúp đỡ của Mĩ để phục hồi kinh tế. Đây chính là cơ hội có một không hai để Mĩ vươn lên nắm quyền lãnh đạo trong hệ thống tư bản chủ nghĩa và thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới. Chiến thắng vĩ đại của Liên Xô trong sự nghiệp tiêu diệt chủ nghĩa phát xít đã dẫn tới những thay đổi về so sánh lực lượng có lợi cho Liên Xô và các lực lượng cách mạng trên thế giới. Vị trí quốc tế và ảnh hưởng của Liên Xô ngày càng được mở rộng. Liên Xô trở thành một cường quốc quân sự, một nhân tố không thể thiếu trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Liên Xô cũng không còn là nước xã hội chủ nghĩa duy nhất bị cô lập trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc. Hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu ra đời sau khi chiến tranh kết thúc, cùng với Liên Xô đã tạo thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Đồng thời, phong trào giải phóng dân tộc ngày càng phát triển mạnh mẽ và lan rộng ở khắp các châu lục trên thế giới. Ngay trong chiến tranh, các nước châu á, châu Phi đã sát cánh cùng các lực lượng Đồng minh chống phát xít trong những điều kiện khó khăn, gian khổ, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp chiến thắng phát xít, đồng thời chuẩn bị điều kiện cho cách mạng giải phóng dân tộc sau khi chiến tranh kế tthúc. Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã phá vỡ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc buộc các nước đế quốc phải thừa nhận nền độc lập của các dân tộc. Trong bối cảnh đó, Mặt trận đồng minh chống phát xít, hình thành trong chiến tranh, đứng trước nguy cơ tan rã. Những mâu thuẫn trong nội bộ các lực lượng chống phát xít, vốn tạm thời dịu đi trong chiến tranh, nay ngày càng bộc lộ công khai. Ngay trong giai đoạn cuối của chiến tranh, Mĩ đã nhìn nhận Liên Xô như một lực lượng chính, có khả năng cản trở âm mưu bá chủ thế giới của mình. Khi thất bại của phe phát xít chỉ còn là vấn đề thời gian, cũng là lúc Mĩ bắt đầu triển khai chính sách kiềm chế Liên Xô. Quá trình tập hợp lực lượng mới sau chiến tranh dựa trên cơ sở ý thức hệ và lợi ích quốc gia được bắt đầu từ Hội nghị Ianta (2 - 1945), khi chiến tranh còn chưa đi đến hồi kết.

1.2. Sự hình thành Trật tự hai cực Ianta

Tag: gia sư lịch sử tại nhà hà nội
Như trên đã nói, từ ngày 4 đến 12 - 2 - 1945, tại thành phố Ianta (Crưm) đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Tam cường Xô - Mĩ - Anh, với sự tham gia của nguyên thủ quốc gia ba nước Liên Xô, Mĩ, Anh là Stalin, Rudơven và Sớcsin. Thực chất nội dung hội nghị là sự tranh giành và phân chia thành quả thắng lợi của chiến tranh giữa các lực lượng tham chiến, có tác động quyết định đến trật tự thế giới sau chiến tranh. Sau những thảo luận và tranh cãi, Hội nghị đã đi đến quyết định về việc kết thúc chiến tranh, việc tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít Đức và quân phiệt Nhật, việc thành lập tổ chức Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là việc Tam cường Xô - Mĩ - Anh đã đi đến thoả thuận về việc phân chia phạm vi ảnh hưởng ở châu Âu và châu á sau chiến tranh. Theo đó, ở châu Âu, các nước Trung và Đông Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô. Các nước Tây và Nam Âu sẽ thuộc phạm vi ảnh hưởng của Anh, Mĩ. Về vấn đề Đức, Liên Xô sẽ chiếm đóng phần Đông Đức và Đông Béclin. Quân đội Mĩ, Anh, Pháp chiếm đóng phần Tây Đức và Tây Béclin. Riêng áo và Phần Lan sẽ được hưởng quy chế trung lập.

• Ở Châu Á, Hội nghị chấp nhận những điều kiện của Liên Xô về việc tham gia chiến tranh tiêu diệt quân phiệt Nhật, bao gồm:

• Duy trì nguyên trạng và công nhận nền độc lập của Mông Cổ.

• Trả lại cho Liên Xô những quyền lợi mà nước Nga bị mất sau chiến tranh Nga - Nhật (1904 - 1905) như: trả lại miền Nam đảo Xakhalin và quần đảo Curin, quốc tế hoá cảng Đại Liên (Trung Quốc), cho Liên Xô thuê cảng Lữ Thuận (Trung Quốc) làm căn cứ hải quân, trả cho Liên Xô tuyến đường sắt Xibêri - Trường Xuân, Liên Xô được cùng khai thác tuyến đường sắt Hoa Đông và Nam Mãn Châu…

• Sau khi Nhật đầu hàng, quân đội Đồng minh (chủ yếu là Mĩ) sẽ chiếm đóng Nhật Bản.

• Trung Quốc sẽ thu hồi lại Đài Loan, quần đảo Bành Hồ và Mãn Châu bị Nhật chiếm. Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản sẽ tiến hành hiệp thương để thành lập Chính phủ liên hiệp. Liên Xô và Mĩ có quyền lợi ở Trung Quốc.

• Triều Tiên sẽ do quân đội Liên Xô và Mĩ kiểm soát ở phía Bắc và Nam vĩ tuyến 38, sau khi giải phóng sẽ trở thành quốc gia độc lập, thống nhất.

• Phần còn lại của châu á (Đông Nam á, Tây á, Nam á…) vẫn thuộc phạm vi ảnh hưởng truyền thống của các nước phương Tây.

Những quyết định của Hội nghị Ianta về những vấn đề quan trọng nhất của thế giới sau chiến tranh đã trở thành nền tảng cơ sở cho việc thiết lập một trật tự thế giới mới, thường được gọi là Trật tự hai cực Ianta. Hai nước đứng đầu hai cực, Liên Xô và Mĩ, về cơ bản đã đạt được những mục tiêu mà mình theo đuổi. Đối với Liên Xô, lúc này là thời điểm mà vị thế quốc tế của Liên Xô đạt tới đỉnh cao nhất kể từ sau Cách mạng tháng Mười. Liên Xô trở thành nước duy nhất có thể tạo ra thế cân bằng với Mĩ, đồng thời là lực lượng có khả năng đưa chủ nghĩa xã hội vượt ra khỏi phạm vi một nước, trở thành một hệ thống thế giới. Tổng thống Mĩ cũng nhận thức rõ điều đó và chấp nhận những thoả thuận với Liên Xô - để cùng sắp xếp trật tự thế giới mới sau chiến tranh. Chính vì vậy, Trật tự hai cực Ianta là sự phản ánh một hiện thực mới của thế giới sau chiến tranh: sự cân bằng quyền lực giữa hai nước lớn - Liên Xô và Mĩ trong quan hệ quốc tế.

1.3. Tổ chức Liên Hợp Quốc (United Nations)

Ngay từ những năm tháng chiến tranh thế giới diễn ra ác liệt, các nước trong phe Đồng minh đều đã nhận thức được sự cần thiết phải thành lập một tổ chức quốc tế mới rộng lớn hơn, hiệu quả hơn để thay thế cho Hội Quốc Liên trong sứ mệnh gìn giữ hoà bình, an ninh quốc tế, ngăn ngừa chiến tranh thế giới, thúc đẩy sự hợp tác giữa các dân tộc. Hội nghị Thượng đỉnh Têhêran với sự tham gia của những người đứng đầu ba nước Xô - Mĩ - Anh đã chuẩn y và khẳng định việc thành lập Liên Hợp Quốc. Sau Hội nghị Têhêran, một nhóm chuyên gia ở Oasinhtơn được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho việc thành lập tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới này. Những thoả thuận cụ thể liên quan đến việc thành lập Liên Hợp Quốc đã được thông qua tại Hội nghị ở Đămbáctơn (Dumbarton - ngoại ô Oasinhtơn) tháng 9 - 1944 và được khẳng định ở Hội nghị Thượng đỉnh Ianta tháng 2 - 1945.


Trên cơ sở đó, ngày 25 - 4 - 1945 tại Xan Phranxicô (Mĩ) đại diện của 50 quốc gia (sau này Ba Lan được mời kí vào Hiến chương, nâng tổng số nước sáng lập lên 51 nước) đã tiến hành Hội nghị thành lập Liên Hợp Quốc. Sau hai tháng làm việc, Hội nghị đã thông qua Hiến chương Liên Hợp Quốc và thành lập tổ chức Liên Hợp Quốc. Hiến chương gồm 19 chương với 111 điều khoản, là văn kiện nền tảng cơ bản xác định mục đích, nguyên tắc và các phương thức tổ chức, hoạt động của Liên Hợp Quốc. Hiến chương quy định mục đích cao nhất của Liên Hợp Quốc là nhằm duy trì hoà bình, an ninh thế giới, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa các nước trên cơ sở tôn trọng quyền bình đẳng giữa các quốc gia và nguyên tắc dân tộc tự quyết. Để thực hiện mục đích nêu trên, Hiến chương quy định những nguyên tắc cơ bản của Liên Hợp Quốc gồm: quyền bình đẳng giữa các quốc gia và quyền dân tộc tự quyết, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của tất cả các nước không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kì quốc gia nào, giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế, chung sống hoà bình và nguyên tắc nhất trí giữa 5 nước lớn: Liên Xô (nay là Liên bang Nga), Mĩ, Anh, Pháp, Trung Quốc.

• Về tổ chức, các cơ quan chính của Liên Hợp Quốc bao gồm :

• Đại hội đồng, cuộc họp chung của đại diện các nước thành viên, họp mỗi năm một lần để thảo luận những vấn đề có liên quan thuộc phạm vi Hiến chương đã quy định. Đại hội đồng bầu ra các thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an, các thành viên của Toà án quốc tế, của Hội đồng kinh tế xã hội, Hội đồng thác quản. Đại hội đồng chấp nhận hội viên mới hoặc khai trừ hội viên vi phạm Hiến chương theo đề nghị của Hội đồng bảo an. Những quyết định về các vấn đề quan trọng phải được thông qua với 2/3 số phiếu.

• Hội đồng Bảo an, cơ quan chính trị quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên của Liên Hợp Quốc, chịu trách nhiệm chính về duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Hội đồng Bảo an gồm 5 uỷ viên thường trực: Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp, Trung Quốc và 6 uỷ viên không thường trực do Đại hội đồng bầu ra (từ tháng 8 - 1965 tăng lên 10 uỷ viên không thường trực) với thời hạn hoạt động 2 năm, phân bổ theo khu vực địa lí một cách công bằng. Mọi quyết định của Hội đồng Bảo an phải được thông qua với sự nhất trí của 5 uỷ viên thường trực, đồng thời mỗi uỷ viên thường trực cũng có quyền phủ quyết (veto). Những nghị quyết của Hội đồng bảo an được thông qua phù hợp với Hiến chương thì bắt buộc các nước Hội viên phải thi hành. Hội đồng bảo an không phục tùng Đại hội đồng.

• Hội đồng kinh tế - xã hội, cơ quan chuyên trách về các lĩnh vực hợp tác liên quan đến đời sống vật chất, văn hoá của Liên Hợp Quốc, do Đại hội đồng bầu ra. Trực thuộc Hội đồng kinh tế - xã hội có nhiều thể chế chuyên môn hoá như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng quốc tế về tái thiết và phát triển (WB), Tổ chức Lương - Nông (FAO), Tổ chức Liên Hợp Quốc về giáo dục, khoa học và văn hoá (UNESCO)…

• Toà án quốc tế, cơ quan luật pháp chính của Liên Hợp Quốc, có nhiệm vụ giải quyết những tranh chấp có tính chất pháp lí giữa các nước thành viên.

• Ban thư kí, cơ quan hành chính của Liên Hợp Quốc, đứng đầu là Tổng thư kí do Đại hội đồng bầu ra 5 năm một lần theo sự giới thiệu của Hội đồng Bảo an.

Ngoài ra, Liên Hợp Quốc còn có các cơ quan chuyên trách như Hội đồng quản thác và các tổ chức trực thuộc khác. Trụ sở của Liên Hợp Quốc đặt tại Niu oóc (Mĩ). Liên Hợp Quốc được thành lập vào lúc Chiến tranh thế giới thứ hai chuẩn bị kết thúc và ngay sau đó là sự bắt đầu cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông - Tây. Những mâu thuẫn gay gắt giữa hai cường quốc Xô - Mĩ trong chiến tranh lạnh đã ảnh hưởng sâu sắc đến những hoạt động của tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới này. Bước vào thập niên 60 của thế kỷ XX, từ thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc, hàng loạt nước mới giành được độc lập và trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc. Với số lượng thành viên đông đảo hơn, trong thành phần Liên Hợp Quốc đã hình thành ba lực lượng: các nước xã hội chủ nghĩa, các nước tư bản chủ nghĩa và các nước mới giành được độc lập. Điều đó đòi hỏi các nghị quyết của Liên Hợp Quốc phải tính đến lợi ích của cả ba lực lượng này. Trong 60 năm tồn tại, Liên Hợp Quốc đã chứng tỏ vai trò to lớn của mình trong đời sống chính trị quốc tế. So với Hội Quốc Liên, Liên Hợp Quốc thể hiện rõ tính chất toàn cầu: thành phần bao gồm hầu hết các quốc gia độc lập trên tất cả các châu lục và đặc biệt là tính toàn diện: chương trình nghị sự không chỉ tập trung vào vấn đề duy trì hoà bình, an ninh mà bao gồm cả các hoạt động nhằm thủ tiêu hoàn toàn chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, khoa học - kĩ thuật… Với tư cách là một tổ chức đa phương toàn cầu lớn nhất với sự tham gia của hầu hết các quốc gia trên thế giới, Liên Hợp Quốc là diễn đàn toàn cầu duy nhất để thúc đẩy đối thoại, hiểu biết chung giữa các nước và là tổ chức không thể thiếu được trong đời sống chính trị quốc tế. Tuy nhiên, với sự thay đổi của tình hình thế giới, số lượng thành viên của Liên Hợp Quốc đã tăng lên khoảng 4 lần (từ 51 nước năm 1945 lên 191 nước năm 2002), trong đó đa số là các nước đang phát triển với ý chí độc lập, tự chủ ngày càng mạnh mẽ. Điều đó đòi hỏi Liên Hợp Quốc phải đổi mới bộ máy và phương thức làm việc để thực sự trở thành một tổ chức quốc tế đại diện cho lợi ích chân chính của tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới.



1.4. Việc giải quyết vấn đề các nước phát xít bại trận sau chiến tranh

Việc giải quyết vấn đề các nước phát xít chiến bại, tiến tới bình thường hoá quan hệ giữa các nước thắng trận với các nước bại trận, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thiết lập trật tự thế giới mới sau chiến tranh và giữ gìn hoà bình, an ninh cho thế giới. Trước hết là vấn đề Đức, vấn đề trung tâm của châu Âu sau chiến tranh. Hội nghị Pốtxđam (17 - 7 - 1945 đến 2 - 8 - 1945) đã xác định những nguyên tắc cơ bản về việc phi quân sự hoá nước Đức, tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít, thủ tiêu nền công nghiệp quân sự - chiến tranh, thực hiện các quyền tự do, dân chủ, đưa nước Đức trở thành một quốc gia thống nhất, hoà bình và dân chủ. Hội nghị Pốtxđam đồng thời cũng khẳng định rằng, lực lượng Đồng minh không hề có ý định tiêu diệt hay biến nhân dân - dân tộc Đức thành nô lệ, như điều đã từng xảy ra sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918). Theo quyết định của Hội nghị Pốtxđam, bốn nước Liên Xô, Mĩ, Anh và Pháp sẽ tạm thời chiếm đóng nước Đức: Liên Xô ở khu vực phía Đông, ba nước Mĩ, Anh, Pháp ở khu vực phía Tây. Để xét xử tội phạm chiến tranh, Toà án quốc tế Nuyrembe đã tổ chức trên 400 phiên họp kéo dài từ tháng 10 - 1945 đến 8 - 1946. Các nước đồng minh được nhận những khoản bồi thường chiến tranh ở các khu vực chiếm đóng và từ các nguồn đầu tư của Đức ở nước ngoài.


Về vấn đề Nhật Bản, Tuyên bố Pốtxđam đã quy định những nguyên tắc cơ bản trong việc giải quyết vấn đề Nhật Bản sau chiến tranh như: Nhật Bản phải đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, quân đội Đồng minh sẽ chiếm đóng lãnh thổ Nhật, chủ quyền của Nhật được giới hạn trong 4 đảo chính (Hốccaiđô, Hônsư, Kiusiu và Xicôcư) và một số đảo phụ cận, quân đội Nhật bị giải giáp, dân chủ hoá nước Nhật và thủ tiêu hoàn toàn chủ nghĩa quân phiệt, giải tán các tập đoàn kinh tế công nghiệp quân sự, xét xử các tội phạm chiến tranh, nước Nhật phải chịu trách nhiệm bồi thường chiến tranh… Sau khi Nhật Bản đầu hàng, lấy danh nghĩa quân Đồng minh, quân đội Mĩ đã chiếm đóng toàn bộ Nhật Bản. Liên Xô phản đối quyết liệt hành động độc chiếm Nhật Bản của Mĩ và yêu cầu thành lập một Uỷ ban quản chế Nhật Bản. Hội nghị ngoại trưởng 5 cường quốc (Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp, Trung Quốc) tháng 12 - 1945 ở Mátxcơva đã đi đến thoả thuận cho phép các nước Đồng minh chủ yếu tham gia hoạch định và kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với Nhật. Uỷ ban Viễn Đông được thành lập ở Oasinhtơn, sau đó Uỷ ban đồng minh về Nhật Bản cũng được thành lập ở Tôkiô. Tuy nhiên, cả hai uỷ ban này đều bị Mĩ khống chế. Tháng 10 - 1950, Chính phủ Mĩ đưa ra dự thảo về Hoà ước kí với Nhật do Mĩ đơn phương soạn thảo. Hành động của Mĩ đã bị Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa và dư luận tiến bộ trên thế giới kịch liệt phản đối. Sau đó, Mĩ tổ chức Hội nghị hoà bình ở Xan Phranxicô (9 - 1951) để kí kết hoà ước với Nhật. Hoà ước Xan Phranxicô là một hoà ước riêng rẽ, không bao gồm chữ kí của tất cả các nước tham chiến, vi phạm thô bạo quyền lợi của các nước tham gia chống Nhật mà không được mời tham dự Hội nghị hoặc không kí vào Hoà ước (Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc). Hoà ước là văn kiện dọn đường cho Mĩ tiếp tục chiếm đóng nước Nhật và hình thành liên minh Mĩ - Nhật, phục vụ cho chính sách thù địch của Mĩ đối với các nước xã hội chủ nghĩa.

Về việc kí kết hoà ước với các nước bại trận khác (Italia, Bungari, Hunggari, Rumani và Phần Lan), sau nhiều năm đấu tranh gay gắt, cuối cùng các hoà ước đã được kí kết tại Hội hoà bình Pari ngày 10 - 2 - 1947. Khác với Hoà ước Vécxai năm 1919, sự tham dự và vai trò của Liên Xô đã làm thay đổi nội dung và tính chất của các hoà ước. Nội dung các hoà ước về cơ bản đã đáp ứng được lợi ích của nhân dân các nước chiến thắng, đồng thời cũng không quá khắt khe, nặng nề với nhân dân các nước bại trận. Như vậy, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, một trật tự thế giới mới đã hình thành theo khuôn khổ thoả thuận Ianta với hai cực, đứng đầu là Liên Xô và Mĩ. Trật tự hai cực Ianta được các cường quốc thắng trận thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai nhằm đảm bảo những lợi ích chính trị, kinh tế của mình. Tuy nhiên, nếu so với Hệ thống Vécxai - Oasinhtơn, được thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), Trật tự hai cực Ianta có những nét khác biệt cơ bản. Trước hết, đó là sự đối lập về hệ tư tưởng giữa hai cực, một bên là Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa, lực lượng hậu thuẫn cho phong trào cách mạng thế giới, với một bên là Mĩ, nước đứng đầu thế giới tư bản với vai trò hậu thuẫn cho các lực lượng phản cách mạng và âm mưu vươn lên vị trí thống trị thế giới. Cuộc đối đầu giữa hai cực diễn ra gay gắt, quyết liệt, kéo dài hơn 4 thập kỉ, kéo theo sự đối đầu giữa hai khối Đông - Tây và cuốn hút nhiều quốc gia, khu vực vào vòng xoáy căng thẳng, phức tạp của nó. Tuy nhiên, về cơ cấu tổ chức, với việc thanh toán chiến tranh, duy trì hoà bình, an ninh sau chiến tranh, việc kí kết hoà ước với các nước chiến bại… Trật tự hai cực Ianta thể hiện sự tiến bộ và tích cực hơn so với Hệ thống Vécxai - Oasinhtơn. Đặc biệt, vai trò, tính ưu việt của Liên Hợp Quốc so với Hội Quốc Liên trong việc giám sát, duy trì hoà bình, an ninh thế giới, phát triển sự hợp tác .

( Nguồn : ĐH Sư phạm Hà Nội )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét