Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Vì sao bạn lại trở thành “sinh viên trung bình”?

Bước chân vào giảng đường đại học, sinh viên nào cũng mang trong mình bầu nhiệt huyết và mơ ước ra trường với tấm bằng khá, giỏi trong tay. Nhưng tại sao vẫn có rất nhiều bạn sinh viên trở thành “sinh viên trung bình”?

Cùng xem họ đã làm gì, đã học như thế nào trên giảng đường đại học.

Không có kế hoạch cụ thể ngay từ đầu

Nếu như đỗ đại học là vì ngay từ khi còn là học sinh cấp 3, bạn đã được lên kế hoạch ôn tập và rèn luyện cho 3 môn học mà mình yêu thích, từng ngày từng tuần có sẵn lịch kiểm tra thường xuyên thì lên đại học, lượng kiến thức bạn phải thu nạp vô cùng lớn, các thầy cô giáo không thể kiểm tra theo sát bạn như khi còn là học sinh phổ thông, vì vậy mà việc phải tự đề ra kế hoạch cho mình là vô cùng cần thiết.

Khi bước vào năm học đầu tiên, “sinh viên trung bình” thường không đặt cho mình kế hoạch, chiến lược cụ thể, các bạn ấy chỉ mong muốn những điều chung chung “điểm càng cao là được” hay “qua môn, không phải thi lại là tốt rồi” mà không có những tính toán điểm số cụ thể. Bởi vậy mà ước mơ trở thành sinh viên giỏi vẫn cứ mãi là ước mơ không thể thực hiện được.

Bỏ phí thời gian

Quỹ thời gian trong một ngày của mỗi người là như nhau, vậy mà lại có những quan điểm: là sinh viên nên có rất nhiều thời gian rảnh rỗi. Với ai cũng vậy, từ nhà khoa học cho đến những người dân bình thường, và với sinh viên cũng vậy, thời gian đều là vàng là bạc. Vậy nhưng các “sinh viên trung bình” lại không biết dùng số “vàng bạc” đó vào việc gì, không có những kế hoạch phù hợp với khung thời gian đó. Dẫn đến việc vui chơi thỏa thích trong những ngày đầu kì học, chỉ khi “hồi chuông tử thần” vang lên, các bạn ấy mới cuống quýt ôn luyện cấp tốc để nhồi nhét những kiến thức mới toanh vào đầu, đối đầu với những cuộc chiến mà chưa có sự chuẩn bị kĩ lưỡng.

Thụ động tiếp nhận kiến thức

Nếu ở phổ thông, học sinh thường quen với cách tiếp nhận kiến thức một cách thụ động: thầy giảng - trò nghe, thì với sinh viên đại học sẽ có rất nhiều môn học theo kiểu ngược lại: trò giảng - thầy nghe.

Đáng lẽ phải tự mình tìm hiểu trước kiến thức ở nhà, đến lớp chỉ để trao đổi và trình bày lại những gì mình đã nghiên cứu từ trước, thì các bạn “sinh viên trung bình” vẫn quen với lối học cũ, đến lớp mới là lúc bắt đầu học, lúc đó lượng kiến thức khổng lồ khó mà tiếp thu hết được.

Không chọn đúng sách và chưa biết cách đọc sách

Có thể bạn rất chăm chỉ lên thư viện trường, thư viện quốc gia, có thể bạn dành rất nhiều thời gian cho việc đọc sách và nghiên cứu, nhưng bạn vẫn không thu được kết quả như mong đợi. Bởi vì trong hàng ngàn cuốn sách hay, bạn chưa chọn đúng cuốn sách mà mình cần, bạn tốn thời gian cho việc đọc bởi bạn chưa có phương pháp đọc sách đúng đắn.

“Sinh viên trung bình” có thể là những người chăm chỉ, nhưng họ lại kém sự nhạy bén và phương pháp học tập phù hợp.

Học thuộc lòng tất cả những kiến thức thầy cô giáo cho ghi

Đối với học sinh trung học thì những điều thầy cô giáo cho ghi là kim chỉ nam dẫn đường cần thiết nhất để bạn đỗ đạt. Nhưng đối với sinh viên đại học, những kiến thức thầy cô cho ghi chỉ là một hạt cát rất nhỏ trong đại dương mênh mông kiến thức, nếu muốn đạt điểm cao, bạn cần phải đọc nhiều, tìm hiểu thêm rất nhiều những kiến thức bên ngoài giảng đường đại học. Giờ học trên lớp, chỉ là những định hướng, hay đơn giản chỉ học phương pháp tìm sách, tìm tài liệu và học cách tự chiếm lĩnh kiến thức mà thôi.

Cùng khắc phục sai lầm của “sinh viên trung bình” để trở thành những sinh viên khá, giỏi bạn nhé.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét