Khám phá thú vị về nhân vật Bao Công
Bao Công (999 - 1062) là một trong những nhân vật lịch sử được đưa lên phim thành công. Nhân vật Bao Thanh Thiên trong các phiên bản phim cùng tên nhiều năm qua đã trở thành một biểu tượng cho công lý, lẽ phải trong lịch sử Trung Quốc.
Nhân vật Bao Thanh Thiên trên phim. |
Mới đây, những khám phá thú vị về Bao Công được công bố. Thứ nhất, mặt Bao Công không hề đen và cũng không có vầng trăng trên trán. Sở dĩ phim ảnh chúng ta thấy mặt Bao Công đen là do ảnh hưởng của Kinh Kịch, hát bội, trong hát tuồng, nghệ thuật Kinh Kịch phải vẽ mặt nạ, mặt trắng là đại diện cho tiểu nhân, kẻ gian; mặt đỏ là đại diện cho nghĩa khí, trung nghĩa; mặt đen đại diện cho nghiêm túc, công chính liêm minh, quân tử.
Do đó, mặt Bao Công được tô đen để khắc họa tính nghiêm minh, liêm chính của ông. Theo truyền thuyết, Bao Công là Văn Khúc Tinh trên trời giáng phàm, nên ban ngày xử án ở dương gian, ban đêm xử án ở âm ty, vầng trăng trên trán chính là để Bao Công ban đêm có thể xử án của oan hồn dưới âm phủ.
Thứ hai, Bao Công sống với cha mẹ, chứ không phải là vì sinh ra mặt đen mà bị cha mẹ bỏ đi, do “Tẩu nương” (chị dâu) nuôi nấng. Bao Công có 1 vợ họ Đổng và 1 thiếp họ Tôn, chứ không phải sống một mình như trong phim. Bao Công có 1 đứa con trai, con dâu họ Thôi, lấy nhau được 2 năm thì con trai chết. Đến năm Bao Công 59 tuổi, mới có đứa con thứ hai do thiếp họ Tôn kia sinh ra. Đứa con út này do chị dâu họ Thôi nuôi dưỡng.
Thứ ba, Bao Công làm quan phủ doãn phủ Khai Phong, ở phủ Khai Phong xử án chỉ có 1 năm, thời gian còn lại, Bao Công thăng chức Thừa tướng, Ngự sử đài. Có Ngự tiền thị vệ tứ phẩm đới đao hộ vệ Triển Chiêu bảo vệ cho Bao Công, nhưng kiểm tra các sử sách thì không có tên của Công Tôn Sách giúp việc cho Bao Công. Do đó, rất có thể nhân vật Công Tôn Sách là hư cấu.
Phát bệnh đến lúc chết chỉ 13 ngày
Gần ngàn năm qua, cái chết của Bao Công, vị phán quan lừng danh trong lịch sử Trung Hoa được mệnh danh là "Bao Thanh Thiên" vẫn còn là điều bí ẩn.
Bao Công qua đời ở tuổi 64 khi đang giữ chức vụ Khu mật phó sứ (tương đương với phó tể tướng) tại kinh thành, được vua Tống Nhân Tông đích thân làm chủ lễ truy điệu, ban thụy hiệu là "Hiếu Túc", năm sau cho đưa về quê cũ Lư Châu an táng.
Hiện nay, khu mộ táng Bao Công nằm ở Đại Hưng Tập, ngoại ô phía đông TP Hợp Phì, tỉnh An Huy. Trên mộ chí có ghi về tình trạng qua đời của Bao Công: "Năm Gia Hựu thứ 7, tháng 5, ngày Kỷ Mùi (tức ngày12/5/1062) ra làm việc, phát bệnh nên quay về. Hoàng thượng sai sứ ban cho thuốc tốt, đến ngày Tân Mùi (tức ngày 24/5/1062) thì không dậy được nữa".
Như vậy, Bao Công từ lúc phát bệnh đến lúc chết chỉ có 13 ngày, trong thời gian này lại còn sử dụng "thuốc tốt" của vua ban. Chính điều này đã gây ra nhiều tranh luận, nghi vấn nhiều đời qua.
Sinh tiền, Bao Công nổi tiếng cương trực, không sợ quyền thế, can gián cả vua, vì thế bọn tham quan ô lại cùng hoàng thân quốc thích hư đốn xem ông như cừu thù. Do đó, khi ông bất ngờ qua đời, không khỏi khiến dư luận quan tâm và nghi ngờ: Bao Công quả thật là chết vì bệnh hay do uống "thuốc tốt" (lương dược) của vua mà bị trúng độc chết? Hay bị trúng độc từ lâu ngày, khi phát bệnh là mất mạng ngay?
Ý thức về nghi vấn trên, từ năm 1973, Phòng Nghiên cứu động vật có xương sống và người cổ, Viện Khoa học Trung Quốc đã tiến hành giám định phân loại xương của Bao Công trong khu mộ gia tộc ở Đại Hưng Tập. Tại đây, ngoài mộ Bao Công còn có mộ người vợ chính, con và con dâu. Các nhà khoa học đã thu nhặt được 35 mảnh xương được xác định là của Bao Công thông qua mộ chí và quan tài bằng gỗ nam mộc cực quý.
Mới đây, các nhà khoa học thuộc Phòng Nghiên cứu năng lượng vật lý cao, Học viện Khoa học Trung Quốc phối hợp với Viện Bảo tàng tỉnh An Huy tiến hành xét nghiệm những mảnh xương của Bao Công bằng phương pháp Đồng bộ bức xạ với máy Electron Positron Collider. Kết quả cho thấy, hàm lượng các nguyên tố thủy ngân, sắt và canxi trong xương Bao Công cao hơn nhiều so với xương của người hiện đại, trong khi đó hàm lượng chì và asen (thạch tín) lại thấp hơn người thường.
Ngày xưa, độc dược được sử dụng chủ yếu là tỳ sương (thạch tín, As) và chu sa (thủy ngân, Hg), chúng có độc tính cực mạnh. Theo TS Hồ Hân Dân, viện trưởng Viện Bảo tàng tỉnh An Huy, kết quả này sơ bộ loại trừ khả năng Bao Công bị trúng độc cấp tính do uống phải thuốc có chứa thạch tín.
Về vấn đề hàm lượng thủy ngân cao trong xương Bao Công, có hai khả năng: Một là khi an táng Bao Công, người ta đã cho vào quan tài nhiều chu sa để ướp giữ thi thể, do chu sa xâm thực vào xương dẫn đến hàm lượng thủy ngân tăng cao. Hai là, rất có thể lúc sinh tiền, Bao Công đã từng uống thuốc hay ăn loại thực phẩm có chứa thủy ngân với hàm lượng nhỏ khiến ngộ độc mãn tính.
GS Trình Như Phong, chuyên gia văn sử, phó hội trưởng Hội Nghiên cứu Bao Công TP Hợp Phì cho biết, qua kết quả xét nghiệm có thể kết luận Bao Công không phải chết vì trúng độc do uống "thuốc tốt" của vua Tống. Rất có thể Bao Công bị bệnh tim mạch hoặc đột quỵ nên mới phát bệnh và chết nhanh như vậy.
Ngoài ra, vào đời Tống, ngoài danh tướng Nhạc Phi "được" hoàng đế sai sứ ban độc dược ra thì không có ghi chép nào khác về việc vua giết đại thần. Mặt khác, trên mộ chí Bao Công cũng chứng tỏ sự ân sủng của hoàng đế nhà Tống đối với vị "thiết diện phán quan" này. Do đó, khả năng vua ban độc dược cho Bao Công là rất khó xảy ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét