Là một nước nông nghiệp nên Tết Trung Thu ở Việt Nam chứa đựng nét tín
ngưỡng riêng, đó chính là tín ngưỡng trong lễ thức nông nghiệp, bao gồm
cả phần lễ và phần hội. Tinh thần của Lễ thức đó, trước hết thể hiện ở ý
thức của người nông dân đối với mùa vụ. Tháng Tám gieo trồng đã xong,
thời tiết dịu đi, là lúc “muôn vật thảnh thơi” (bia chùa Đọi,1121),
người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi. Dưới ánh trăng thu, các lão
nông uống trà, nhắm rượu, ngắm trăng, thưởng nguyệt, chiêm nghiệm dự
đoán tiên tri. Bởi vậy mà thành ngữ dân gian ta vẫn có câu “Muốn ăn lúa
tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám”.
Bánh Trung Thu
Người
Việt hiện nay còn giữ được ít nhất hai lễ trong rằm tháng Tám. Đó là lễ
cúng trăng (trời đất) và Lễ cúng gia tiên trên bàn thờ Tổ. Cả hai lễ
đều có những lễ vật tương tự như nhau: Hoa, các loại quả, bánh nướng,
bánh dẻo, rượu. Riêng lễ cúng gia tiên có thêm đĩa xôi. Ngoài những sản
phẩm nông nghiệp là hoa quả, rượu, xôi, có hai loại bánh mà người Việt
dành riêng cho lễ cúng Rằm tháng Tám là bánh dẻo và bánh nướng, một loại
tròn, một loại vuông, phản ánh nhận thức thô sơ của người Việt cổ: Trời
tròn, đất vuông. Khi phá cỗ người ta tin rằng các loại lễ vật đều mang
một ý nghĩa thiêng liêng, ăn uống để tiếp thêm sức mạnh của trời đất,
làm cho ta có đủ sức chống lại mọi thiên tai, thiên dịch. Cũng trong dịp
này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông
bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, và các ân nhân khác. Thật là dịp
tốt để con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ và để người đời tỏ lòng
săn sóc lẫn nhau.
Người Việt xưa không mấy khi dùng đèn lồng, trừ Rằm
tháng Tám, người ta đua nhau làm đèn lồng, mua đèn ông sao, đèn con
thỏ, đèn con cóc (thiềm thử), đèn cá chép,…Đó là những vật phẩm biểu
trưng nhiều hàm ý. Đèn con thỏ biểu hiện cho mặt trăng (ngọc thỏ). Đèn
con cóc (thiềm thử) biểu thị sự cầu mong mưa thuận gió hòa của cư dân
trồng lúa nước theo điển tích “con cóc là cậu ông trời”. Đèn cá chép là
bắt nguồn từ tích cá chép vượt vũ môn, cá chép hóa rồng, với ý nguyện
cầu mong cho nhân hòa, vật thịnh, con cháu học hành giỏi giang, tấn tới.
3. Rộn ràng - Tết Trung Thu
Múa sư tử - múa lân:
Một
hoạt động không thể thiếu được trong phần hội của rằm tháng Tám đó là
múa sư tử (thực ra là múa lân vì sư tử không có sừng). Người Việt dùng
múa sư tử trong nhiều lễ hội với những ý nghĩa biểu trưng khác nhau.
Trong cơ cấu của đội múa gồm có 3 nhân vật: Sư tử, tráng sĩ, ông địa. Sư
tử là biểu trưng của Trời (Thiên), còn Tráng sĩ là Nhân, ông Địa là
Đất. 3 nhân vật không đối kháng mà luôn tạo ra sự phối hợp hài hòa,
Thiên - Địa - Nhân hòa hợp là ước vọng sâu xa của cư dân lúa nước Việt
Nam. Với những người cho là múa lân thì lại có sự giải thích khác. Họ
cho rằng Lân là con vật cực hiền (nhân thú). Con Lân chỉ xuất hiện khi
thánh nhân ra đời hoặc thời thịnh trị. Cho nên, múa Lân trong ngày tết
Trung thu là cầu mong cho vua sáng, tôi hiền, đất nước thái bình, hưng
thịnh. Nó chẳng những thể hiện ở ý thức mà cả trong hành động.
Lân
còn gọi là Kỳ Lân. Kỳ là tên con đực, Lân là tên con cái. Lân là con vật
đứng thứ hai trong tứ linh: long (rồng), lân, qui (rùa), phụng (phượng
hoàng), là con vật thần thoại, thân hươu, móng ngựa, đuôi bò, miệng
rộng, mũi to, có một sừng ở ngay giữa trán, lông trên lưng ngũ sắc, lông
dưới bụng màu vàng. Tục truyền, lân là con vật hiền lành, chỉ có người
tốt mới nhìn thấy nó được.
Vào lúc xẩm tối Rằm tháng tám, tiếng trống múa sư tử (múa lân) náo động các phố phường, làng xóm.
Mỗi
đám rước sư tử có khoảng mươi - mười lăm người, quần áo chẽn, khăn võ
sinh, chân đi hài sảo. Một màu đen tuyền. Thắt bao lưng xanh đỏ, bỏ múi
lòe xòe. Ba anh đảm nhận việc đội đầu, cầm đuôi sư tử và đánh côn. Tung
côn là người giỏi nhất đám, chỉ huy chung. Một đầu côn gắn quả mây, to
hơn trái cam. Quả mây đan mắt cáo, bên trong là một quả cầu gọt bằng gỗ
xốp nhẹ cỡ bằng quả chanh. Mấy người này ít nhiều phải nắm được vũ
thuật. Hai người khiêng trống cái, một người cầm chũm chọe. Những người
còn lại đi song hàng hai bên giữ trật tự, bảo vệ an toàn cho đoàn.
Sau
khi tuần hành qua các đường chính, vào lúc trăng sắp lên giữa đỉnh đầu,
các phường sư tử chia nhau rẽ vào các phố buôn bán giàu có, tìm đến nơi
nhà cao cửa rộng. Chọn được gia chủ có của nổi của chìm, đám rước dừng
lại trước cửa để biểu diễn.
Bắt đầu là điệu chào của sư tử, tiến
thoái đúng lễ nghi kính cẩn. Chiếc côn được nâng cả bằng hai tay lễ
phép. Tiếng trống, tiếng chũm chọe thôi thúc mạnh mẽ hơn. Đám rước sư tử
trổ hết ngón nghề của mình.
Trước tấm ''thịnh tình'' của sư tử, gia chủ đành mở rộng cửa nghênh tiếp. Vợ chồng, con cái, thân thuộc bắc ghế thưởng ngoạn.
Cuối
cùng là phần lĩnh tiền thưởng, chấm dứt trò múa chúc tụng đêm rằm. Tiền
thưởng nhiều khi khá lớn, nhưng gia chủ không phát tận tay. Họ dùng một
vuông vải đỏ hoặc một tờ giấy hồng điều gói tiền lại rồi treo lên xà
nhà. Phường sư tử phải công kênh nhau hai ba người mới lấy nổi.
Múa
sư tử đòi hỏi nhiều sức lực, biết sử dụng vũ thuật khéo léo. Thêm vào đó
là đức tính kiên trì, dũng cảm, nhanh nhẹn, tháo vát. Phải chăng, ở một
góc độ nào đó, múa sư tử đã thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc ta
lúc hội hè, khi tết nhất.
Trẻ em thì thường rủ nhau múa Lân sớm hơn,
ngay từ mùng 7 mùng 8 và để mua vui chứ không có mục đích lĩnh giải.
Tuy nhiên có người yêu mến vẫn gọi các em thưởng cho tiền.
Đã có bài hát về Múa sư tử như sau:
“Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình
Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh
Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng
Dưới ánh trăng vàng em cất tiếng hát vang”
Rước đèn:
Ở
một vài địa phương, có tục các em rước đèn kéo quân trong dịp Tết Trung
thu. Đèn kéo quân hình vuông, cao khoảng 80cm, rộng mỗi bề khoảng 50cm.
Bốn mặt đều phết giấy Tàu bạch như giấy bóng mờ hiện nay. Phía trên và
phía dưới có đường viền sặc sỡ. Bên trong có một tán giấy hình tròn. Khi
đốt đèn, hơi lửa bốc lên, tán giấy xoay quanh. Đèn kéo quân còn gọi là
đèn chạy quân vì hình đoàn quân cứ liên tục kéo đi, chạy đi không ngừng
hết vòng nọ đến vòng kia. Chỉ khi nào đèn hết dầu (nến), đèn tắt thì các
tán không quay nữa. Đèn có bốn mặt, hình ảnh xem ở mặt nào cũng được.
Hát trống Quân:
Thời
xưa, người Việt còn tổ chức hát trống Quân trong dịp Tết Trung Thu. Đôi
bên nam nữ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai
hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng "thình
thùng thình" làm nhịp cho câu hát. Những câu hát vận tức là hát theo
vần, theo ý hoặc hát đố có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt
ra. Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi
gay go vì những câu đố hiểm hóc. Ngày xưa trai gái dùng điệu hát trống
quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng tám. Trai
gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm.
Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến
thể để hát.
“Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu
Cán đây rất dài, cán cao qua đầu
Em cầm đèn sao em hát vang vang
Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan...”
(Chiếc đèn ông sao: Phạm Tuyên)
Tục
hát trống quân, theo truyền thuyết, có từ thời vua Lạc Long Quân đời
Hồng Bàng. Sau này, điệu hát trống quân đã được Vua Quang Trung (Nguyễn
Huệ) áp dụng khi ngài đem quân ra Bắc đại phá quân nhà Thanh vào năm
1788. Trong lúc quân sĩ rất nhớ nhà, ngài cho một số binh lính giả làm
gái để trai gái đôi bên hát đối đáp với nhau trong khi người ta đánh
trống theo nhịp ba để phụ họa. Do đó, quân lính vui mà bớt nhớ nhà. Điệu
hát trống quân được thịnh hành từ thời Nguyễn Huệ trở đi. Người Trung
Hoa không có phong tục này.
Trò chơi dân gian:
Trò chơi dân
gian cho trẻ em ở nước ta có những đặc điểm nổi bật: dễ chơi, em nào
cũng tham gia được chơi ở địa điểm nào cũng được, lại có cả hát kèm
theo, giàu tính trí tuệ và không tốn tiền.
Trò chơi dân gian cho trẻ
em có thể chia ra làm nhiều loại. Có loại lợi dụng sức gió như chơi
chong chóng, chơi trò đánh gậy, thả diều... Chỉ cần hai mảnh lá dứa bện
chéo vào nhau, cắm một cái gai nối với một khúc cành tre bằng cái đũa,
có lỗ, là trẻ em đã có cái chong chóng quay tít. Cầm chong chóng chạy
ngược gió thì thích biết bao. Còn thằng đánh gậy ư? Chỉ là cành dâu,
tiễn khúc, có cả chân tay, đầu mình, hai tay nối với cái "gậy". Cái gậy
lại buộc với hình tròn bằng lòng bàn tay. Tất cả nối liền nhau, treo lên
trước gió. Gió thổi vào hình tròn làm cái gậy quay tít. Thằng đánh gậy
trở nên sinh động như võ sĩ đang múa. Thả diều thì khỏi phải nói. Chiều
hè lộng gió, cánh diều bay bổng trời cao. Tiếng sáo ngân trong trẻo. Lũ
trẻ nằm trên bờ đê cỏ xanh, ngẩng mặt lên dõi nhìn, sung sướng.
Những
trò chơi dùng lửa hoặc ánh sáng như rước đèn ông sao, đèn lồng, đèn
hình cá... vào đêm Trung thu hẳn không gì lộng lẫy và huyền ảo hơn. Đặc
biệt nhất là đèn kéo quân (còn gọi là đèn cù). Khi ngọn nến được đốt
lên, chong chóng quay, đèn cũng quay. Thế là các con vật tự nhiên chạy.
Có lẽ từ cái trò chơi này, bài dân ca "Đèn cù" đã ra đời. Ông cha ta đã
biết tận dụng luật đối lưu của không khí để tạo nên trò chơi thông minh
và sinh động.
Những trò chơi dùng nước cũng không ít. Trẻ em có
thể gấp con thuyền giấy, hoặc một cái lá khô hay cái bẹ hoa chuối đã có
thể thành thuyền được gió đưa đi bong bong trên mặt nước. Thời sau này,
các em cho dính một tí xà phòng bánh vào đuôi mảnh giấy rồi thả ngay
trong thau nước. Xà phòng tan, tạo ra lực đẩy mảnh giấy lao đi, dễ làm
mà cũng không kém phần thích thú. Trò chơi dân gian Việt Nam góp phần
rèn luyện trí tuệ cho trẻ em. Các em có thể ngồi quanh bàn cờ hàng giờ
và tính toán nước đi sao cho thắng. Chỉ với hình vẽ bằng than, gạch non
hay phấn trên sân và một ít sỏi hoặc đá dằm, các em đã có thể "chơi ô ăn
quan" được rồi. Người chơi muốn thắng phải tính rải quân như thế nào để
cuối cùng thu được nhiều quân của đối phương về mình.
Phần lớn các
trò chơi cho trẻ đều có tác dụng rèn năng lực khéo tay, nhanh mắt. Từ
hòn đất sét dẻo và mềm, các em có thể nặn ra đủ thứ quả hoặc con vật cực
kỳ sinh động. Trẻ con theo mẹ đi chợ, đố cháu nào bỏ qua được mẹt tò he
của bác thợ nặn bằng bột trắng, vàng, xanh, đỏ... những Thánh Gióng
cưỡi ngựa, Quan Công, chú Tễu... hồn nhiên và hấp dẫn. Riêng các bé gái
rất mê đánh chuyền. Chỉ với 10 que chuyền và một quả chuyền bằng quả ổi
xanh, quả cà, quả bưởi con bị rụng hoặc véo hòn đất dẻo vo tròn lại là
xong. Các em vào trò: tay tung quả lên, lại phải nhặt que chuyền rồi bắt
quả cho đúng, miệng phải nói từng câu cho hợp, cho nhịp nhàng với từng
động tác. Vì thế mắt phải tinh, tay phải nhanh, khéo và chính xác. Từ
nhặt một que mỗi lần đến hai que, ba que... và cuối cùng là 10 que. Các
que ấy được rải ra nên rất khó vơ, làm sao trong một giây phải vơ gọn,
vơ hết, không rơi que nào và lại bắt gọn quả chuyền cũng bằng bàn tay
ấy. Thế mới khó. Làm được mới giỏi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét