Những năm gần đây, người ta thường đòi
hỏi nền giác dục phải trang bị cho học sinh năng lực tư duy sáng tạo như
là một phẩm chất quan trọng của con người hiện đại, đặc biệt là từ khi
thế giới đã bắt đầu chuyển mạnh sang nền kinh tế tri thức và xã hội tri
thức ở nước ta, yêu cầu đó cũng đã được nhiều nhà giáo dục đề nghị đưa
vào như là một nội dung quan trọng của một triết lý giáo dục cho nước ta
trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Nhưng, sáng tạo
là gì? tư duy sáng tạo là gì? dạy cho học sinh về tư duy sáng tác là
dạy những nội dung gì? và quan trọng hơn nữa là dạy như thế nào để thật
sự bồi dưỡng và nâng cao được năng lực tư duy sáng tạo của học sinh
chúng ta?
Theo nghĩa thông thường, sáng tạo là một
tiến trình phát kiến ra các ý tưởng và quan niệm mới, hay một kết hợp
mới giữa các ý tưởng và quan niệm đã có. Hay đơn giản hơn, sáng tạo là
một hành động làm nên những cái mới. Với cách hiểu đó thì cái quan trọng
nhất đối với sáng tạo là phải có các ý tưởng, như lời của nhà toán học
vĩ đại Poincaré: "Trong sáng tạo khoa học, ý tưởng chỉ là những ánh
chớp, nhưng ánh chớp đó là tất cả", hay lời của một nhà khoa học vĩ đại
khác, Linus Pauling, khi trả lời câu hỏi làm thế nào người ta sáng tạo
ra được các lý thuyết khoa học: "Người ta phải cố nắm bắt được nhiều ý
tưởng" và "con đường để có được một ý tưởng tốt là có thật nhiều ý
tưởng". Từ xa xưa, người ta đã thường nói đến những ý tưởng sáng tạo
trong các lĩnh vực thi ca, âm nhạc, hội hoạ, nghệ thuật. Các ý tưởng
thường không đến với con người bằng suy luận, bằng tư duy lôgích, mà
thường đến ở những giây phút xuất thần nào đó sau những tưởng tượng,
những suy tư, những phỏng đoán, những đối chiếu, những so sánh bóng gió,
v.v... tưởng chừng không liên quan gì đến điều mà mình đang bận tâm suy
nghĩ.
Thời đại khoa học ra đời từ thế kỷ 17 đã
gắn liền ngay từ đầu với chủ nghĩa cơ giới và chủ nghĩa duy lý. Phương
pháp sáng tạo ra các định lý mới, các kiến thức mới trong các lý thuyết
khoa học của thời đại đó đã gắn chặt với các lập luận lôgích, với các
phép qui nạp và diễn dịch hình thức. Tôi không dám khẳng định 100% rằng
chỉ bằng các lập luận lôgích và diễn dịch hình thức thì không thể làm
nên những kiến thức mang tính sáng tạo, nhưng bằng vào một định lý Godel
về tính đầy đủ của lôgích tân từ, không thể suy ra bất kỳ kiến thức gì
thực sự mới từ các lý thuyết được xây dựng trong phạm vi của lôgích đó.
Nhưng may thay, từ đầu thế kỷ 20 trở đi, khi khoa học mở rộng đối tượng
của mình đến các hệ thống phức tạp trong tự nhiên và xã hội, thì các
phương pháp tư duy cơ giới và duy lý không còn chiếm được vị trí độc tôn
nữa, và các phương pháp tư duy sáng tạo cùng với quan điểm hệ thống trở
thành phổ biến hơn, do đó để hiểu được cuộc sống và thế giới trong tinh
thần hiện đại, việc rèn luyện một năng lực tư duy sáng tạo lại càng có ý
nghĩa quan trọng.
Việc rèn luyện năng lực tư duy sáng tạo
hiện nay thường gắn liền với một phương pháp nhận thức mới là phương
pháp giải quyết bài toán (problem solving method), với quan niệm mới xem
rằng nhiệm vụ của khoa học không phải (và cũng không thể) là tìm kiếm
chân lý, mà là tìm kiếm lời giải cho những bài toán mà con người liên
tục gặp phải trong cuộc sống. Yếu tố cốt lõi của phương pháp giải quyết
bài toán là tư duy sáng tạo, sáng tạo trong việc xác định bài toán, xác
định các mục tiêu của bài toán, tạo sinh các ý tưởng bằng các thao tác
trí tuệ như tưởng tượng, phỏng đoán, so sánh với các ẩn dụ, đưa ra các
giả thuyết, phê phán và đánh giá các giả thuyết, rồi lựa chọn các lời
giải, thực thi từng phần hoặc toàn bộ một lời giải đã chọn, đánh giá các
lời giải khả thi, sửa đồi để hoàn thiện lời giải, vân vân. Từ nhiều năm
gần đây, rèn luyện năng lực tư duy sáng tạo và sử dụng rộng rãi phương
pháp giải quyết bài toán đã được phổ biến rộng rãi trong nhiều lĩnh vực
hoạt động như quản lý, lập kế hoạch kinh tế, giáo dục và hoạt động khoa
học ở nhiều nước. Trong lĩnh vực giáo dục, việc vận dụng phương pháp
giải quyết bài toán trong tổ chức và quản lý giáo dục, trong việc cải
thiện nội dung và phương pháp dạy học, thậm chí đến việc đổi mới chương
trình học của một số bộ môn khoa học như toán, lý, hoá, sinh học cũng đã
được thực hiện ở Phần Lan và một số nước khác. Trong chương trình đanh
giá học sinh quốc tế (PISA) được tổ chức từ năm 2000, khả năng giải
quyết bài toán đã được đưa vào như một nội dung của sự đánh giá.
Tôi nghĩ rằng năng lực tư duy sáng tạo
và khả năng giải quyết bài toán cũng cần được đưa vào như một nội dung
của cuộc cải cách giáo dục hiện nay ở nước ta. Trước hết, ta cần tìm
hiểu và học tập kinh nghiệm của một số nước đi trước, rồi tiếp sau đó áp
dụng phương pháp giải quyết bài toán cho hệ thống quản lý giáo dục của
ta, đưa phương pháp giải quyết bài toán cùng nội dung tư duy sáng tạo
phổ biến trong chương trình bồi dưỡng giáo viên và các sinh viên sư
phạm; và sau những bước có tính chất chuẩn bị đó sẽ tính đến chuyện đưa
nội dung tư duy sáng tạo và phương pháp giải quyết bài toán vào chương
trình dạy học ở nhà trường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét