Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Nguồn gốc của tết trung thu

Theo truyền thuyết, Tết Trung Thu có từ vài ba ngàn năm nay. Người Trung Hoa thời cổ đại sống bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt. Suốt mùa hè trời nắng ấm, người dân chăn nuôi và săn bắn dễ dàng, đầu tháng 8 lại thu hoạch nông sản phẩm, đến rằm tháng 8 bầu trời xanh biếc, trăng rằm trong sáng, cả nhà vui vẻ đoàn tụ, tượng trưng cho " trời và đất hợp nhất", nên mới có Tết Trung Thu. Thời đó, Tết Trung Thu đơn thuần là ngày lễ cúng thần nông, chỉ có cơm rượu, không có các loại bánh như ngày nay.
Người Trung Hoa cổ đại cho rằng Tết Trung Thu bắt nguồn từ thời Xuân Thu. Tuy vậy, trước đời Đường văn tự chưa phát triển, sử sách viết về Tết Trung Thu không nhiều lắm. Từ đời Đường trở đi, nhiều nhà thơ hoặc văn nhân viết những bài thơ hay tác phẩm về Tết Trung Thu, người đời sau mới biết được truyền thuyết và tập tục của nó. Từ đó Tết Trung Thu trở thành ngày lễ cố định hàng năm. Chuyện xưa kể rằng vua Đường Minh Hoàng (713-741 Tây Lịch) dạo chơi vườn Ngự Uyển vào đêm rằm tháng tám âm lịch. Trong đêm Trung Thu, trăng rất tròn và trong sáng. Trời thật đẹp và không khí mát mẻ. Nhà vua đang thưởng thức cảnh đẹp thì gặp đạo sĩ La Công Viễn còn được gọi là Diệp Pháp Thiện. Đạo sĩ có phép tiên đưa nhà vua lên cung trăng. Ở đấy, cảnh trí lại càng đẹp hơn. Nhà vua hân hoan thưởng thức cảnh tiên và du dương với âm thanh ánh sáng huyền diệu cùng các nàng tiên tha thướt trong những xiêm y đủ màu xinh tươi múa hát. Trong giờ phút tuyệt vời ấy nhà vua quên cả trời gần sáng. Đạo sĩ phải nhắc, nhà vua mới ra về nhưng trong lòng vẫn bàng hoàng luyến tiếc.
Về tới hoàng cung, nhà vua còn vấn vương cảnh tiên nên đã cho chế ra Khúc Nghê Thường Vũ Y và cứ đến đêm rằm tháng tám lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng trong khi nhà vua cùng với Dương Quí Phi uống rượu dưới trăng ngắm đoàn cung nữ múa hát để kỷ niệm lần du nguyệt điện kỳ diệu của mình. Kể từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc trong ngày rằm tháng tám đã trở thành phong tục của dân gian.
Cũng có người cho rằng tục treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng tám âm lịch là do ở điển tích ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng. Vì ngày rằm tháng tám là ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng nên triều đình nhà Đường đã ra lệnh cho dân chúng khắp nơi trong nước treo đèn và bày tiệc ăn mừng. Từ đó, việc treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng tám trở thành tục lệ.
Lại có chuyện kể rằng một vị tướng tên là Lưu Tú ở đời nhà Tây Hán, từ năm 206 trước Tây lịch tới năm 23 Tây lịch, trong lúc quân tình khốn quẫn đã cầu Thượng Đế giúp cho quân lính có đồ ăn để chờ quân tiếp viện. Sau khi cầu Thượng Đế, quân lính tìm được khoai môn và bưởi để ăn. Nhờ đó sau này Lưu Tú mới bình định được toàn quốc và lên làm vua tức là vua Quang Võ nhà Hậu Hán. Ngày mà Lưu Tú cầu được linh ứng là ngày rằm tháng tám. Từ đó nhà vua truyền lệnh cứ đến rằm tháng tám là làm lễ tạ trời đất và thưởng trăng bằng khoai môn và bưởi. Ngày lễ trọng thể vui tươi này được gọi là Tết Trung Thu.
Người Đại Hàn gọi Tết Trung Thu là ngày hội Chosuk. Trong dịp vui mừng của ngày hội này, người dân Đại Hàn thường bầy tỏ lòng biết ơn của mình đối với Thượng Đế cho họ được mùa, nên đã nghỉ ngơi vui chơi trong 3 ngày. Trước đây giao thông chưa thuận tiện, vào ngày hội Chosuk, những người buôn bán làm ăn ở thành phố thường về quê nhà thăm bà con họ hàng thân thích, những người sống ở quê nhà thì tổ chức hội hè như người Việt chúng ta đón mừng ngày Tết Âm Lịch. Trước ngày hội Chosuk một tháng, các công ty thương mại lớn ở Đại Hàn thường giảm giá hàng cho khách mua về làm lễ vật tặng nhau. Trong ngày hội Chosuk, người Đại Hàn ăn loại bánh làm bằng bột nếp và đậu xanh trộn với đường, họ gọi là "songpyon". Dịp này thanh thiếu nhi Đại Hàn thích nhẩy bài "Kang Kang Su Vol Lae"
Rằm tháng 8 người Nhật Bản tổ chức ngày hội Hounen Odori (Hounen có nghĩa là hạnh phúc và giầu có, Odori có nghĩa là nhẩy múa). Dịp này họ thường ra sau vườn hoặc ngồi trước cửa ngắm trăng và ăn mừng ngày hội Hounen Odori bằng loại bánh hình cái gối làm bằng gạo (rice dumplins) người Nhật gọi là "Tsukimi dango".
Đối với người Việt Nam thời cổ đại, Tết Trung Thu được diễn tả trong "Việt Nam Phong tục" của tác giả Phan Kế Bính với tục: Ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng Nguyệt. Ðầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu các sắc, sặc sỡ xanh, đỏ, trắng, vàng, trong đó thì lễ vật hàng đầu là bánh mặt trăng, ngày nay gọi là bánh Trung Thu. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm con cá coi cũng đẹp...
Theo các nhà khảo cổ học, Tết Trung Thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, từng được khắc trên trống đồng Ngọc Lũ, là một trong những Trống Đồng Đông Sơn có kích thước to lớn, hình dáng cổ kính, tập trung hoa văn phong phú nhất. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh thì Tết Trung Thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa mà “Tang thương ngẫu lục” đã miêu tả.
Theo "Tang Thương Ngẫu Lục", tác phẩm chữ Hán của 2 nhà văn Việt Nam Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án viết khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, thời vua Lê chúa Trịnh, Tết Trung Thu được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ chúa. Còn theo sách “Thái Bình hoàn vũ ký” thì: “Người Lạc Việt cứ mùa thu tháng Tám thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau”. Như vậy, mùa thu là mùa của thành hôn.
Nghiên cứu về nguồn gốc Tết Trung Thu, theo học giả người Pháp P.Giran cũng từng viết trong “Magie et Religions Annamites, Paris: Challamet, 1912" về Tết Trung Thu: Từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi trọng Mặt Trăng và Mặt Trời, coi như một cặp vợ chồng. Họ quan niệm Mặt Trăng chỉ sum họp với Mặt Trời một lần mỗi tháng (vào cuối tuần trăng). Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang - trở thành trăng non, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới. Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Và ngày Rằm tháng Tám, nàng trăng đẹp nhất, lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn Tết mừng trăng.
Theo phong tục Việt Nam, vào dịp Tết Trung Thu, cha mẹ bầy cỗ cho các con để đón trăng rằm. Các vị mua và làm đủ các loại đèn lồng thắp bằng nến treo trong nhà hoặc cho các con mang đi rước đèn cùng bè bạn. Cỗ mừng Tết Trung Thu gồm: bánh Trung Thu, các loại bánh kẹo khác, trái cây... nhiều hay ít tùy hoàn cảnh của mỗi gia đình.
Trong văn học nghệ thuật có nhiều tác phẩm thơ ca, hội họa, âm nhạc miêu tả Tết Trung Thu, trong đó có bài thơ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu:
Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió cùng mây thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng Tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét