Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Bí kíp đặc biệt vượt ải kỳ thi học sinh giỏi

Tầm giữa tháng 10, các thành phố trên cả nước sẽ tổ chức kì thi tuyển chọn học sinh giỏi, những bạn trong đội tuyển chắc hẳn giờ đang trong giai đoạn nước rút tập trung ôn tập, để chuẩn bị nghênh chiến với kì thi cam go này.

Với kì thi mang tính chuyên biệt như này thì các bạn lưu ý các dạng bài tập, cách tính toán cũng như cách tư duy sẽ khác nhiều so với kì thi Đại học, nhiều bạn thường nhầm lẫn giữa hai kì thi có cùng chung một dạng kiến thức như nhau, nhưng điều đó không hoàn toàn là đúng. Với một số lưu ý và kinh nghiệm nhỏ sau hi vọng các bạn sẽ thành công và đạt kết quả cao trong kì thi.

1. Đối với môn Toán

Đây là môn thi đòi hỏi sự chính xác và khả năng tính toán nhanh, vì khi vào phòng thi các bạn sẽ không được mang theo máy tính, vậy nên các bạn phải nắm được nhiều cách giải mẹo, tính nhanh. Các dạng toán trong thi học sinh giỏi thường thiên về logic hơn là phải tính toán nhiều, chỉ cần hiểu cấu trúc đề thi, không để bị “lừa” bởi một số câu là các bạn có thể kiếm điểm được.
 2. Đối với môn Văn

Đây là môn thi mà các bạn sẽ phải viết nhiều nhất, một đề thi học sinh giỏi văn thường có 2 câu. Câu đầu tiên thường là dạng câu hỏi mở để các bạn có thể nêu lên ý kiến, suy nghĩ  của mình, giống dạng trong thi Đại học. Để được điểm cao câu hỏi này các bạn nên lấy nhiều dẫn chứng ngoài xã hội, phần cuối bài nên nêu lên suy nghĩ của bản thân, bài học mình rút ra được, ý nghĩa đối với lớp thanh niên, thế hệ trẻ ngày nay như thế nào...

Câu hỏi thứ 2 sẽ là đánh giá, phân tích, nhận định chung về một câu nói, một ý kiến của một tác giả nào đó về nền văn chương, nghệ thuật, sáng tác... Để bài làm thêm thuyết phục, được điểm cao, được người chấm chú ý thì các bạn nên lấy ý kiến khác của cùng một tác giả trong đề thi để viết vào bài.

VD: Nếu như trong đề có yêu cầu là bạn hãy nhận xét câu nói của nhà văn Nguyễn Minh Châu về truyện ngắn, thì các bạn sẽ lấy câu nói khác cũng của nhà văn này vào phần mở bài hoặc đầu thân bài để tăng thêm tính thuyết phục, nhưng nhớ các dẫn chứng, trích lời đều phải có chung hoặc gần ý nghĩa với đề bài.

Ngoài ra nếu như các bạn có thể lấy thêm được nhiều câu nói hay các ý tương tự trong các tác phẩm, tác gia khác thì bài làm càng dễ được điểm và đừng quên rằng hãy viết phần mở bài, kết bài thật ấn tượng. Nhớ tránh lỗi viết lặp từ, các câu phải có sự liên kết, móc nối với nhau; hành văn rõ ràng, không dài dòng quá, chữ viết rõ ràng, sạch sẽ các bạn nhé.

3. Đối với môn tiếng Anh

Đề thi môn Anh trong học sinh giỏi thường khá là khó, thậm chí khó hơn cả thi đề thi Đại học bởi tất cả các câu hỏi đều nâng cao hơn nhiều và có nhiều những mẫu câu lạ. Để đạt kết quả tốt nhất các bạn phải nắm thật chắc phần cụm động từ (phrasal verb), học thêm nhiều từ vựng bởi trong đề thi sẽ có rất nhiều từ mới, phải cần đến nguồn hiểu biết từ phong phú.

Đối với phần nghe các bạn có thể lên các trang web như BBC để luyện dần, các bài nghe không quá dài, chủ đề gần gũi với cuộc sống hàng ngày và không quá khó nghe.

Đối với phần viết chỉ cần các bạn nắm vững ngữ pháp là có thể yên tâm, đôi khi chỉ cần viết đơn giản mà rõ ràng, mạch lạc thì sẽ tốt hơn là viết dài mà không vào trọng tâm.

Để kết quả được tốt nhất thì các bạn nên tự bấm thời gian và làm lại các đề thi năm trước, nhớ chú ý cách ra đề để ôn tập thêm có kết quả. Việc ôn lại các đề thi cũ không chỉ giúp ích cho kì thi sắp tới của bạn mà còn giúp bạn trau dồi thêm kĩ năng, kiến thức, kinh nghiệm để thi các kì thi mang tính quốc tế trong tương lai như: IELTS, TOEFL, TOEIC, SAT...

4. Đối với môn Lịch sử

Đây là môn học khá khô khan, yêu cầu bạn phải nhớ các ngày tháng, sự kiện, mốc lịch sử khác nhau. Điều này khiến môn Sử đối với nhiều bạn thêm khó khăn nhưng hầu hết các câu hỏi đều có trong sách giáo khoa nhưng chỉ hỏi theo một hướng khác mà thôi.
Để nhớ các con số thời gian các bạn có thể lập sơ đồ hình cây, giúp tư duy thông suốt, dễ nhớ hơn, đừng cố học thuộc.

Một lưu ý nhỏ nhỏ nữa là trong các câu hỏi cuối để kiếm thêm điểm sẽ là câu hỏi mở rộng về một nhân vật lịch sử, hay một số sự kiện nổi tiếng... Vì thế ngoài học kĩ trong sách giáo khoa ra thì các bạn nên trang bị thêm một chút kiến thức xã hội.

Điều này tuy nhỏ nhưng các bạn cũng lưu ý nhé nếu câu hỏi hỏi gì thì trả lời trọng tâm đừng quá rườm rà phần mở đầu sẽ không được điểm đâu, các con số ngày tháng thì ghi rõ ràng, chính xác, không nhớ thì không ghi vào có thể chỉ ghi năm hoặc ngày tháng, không sao cả. Đừng cố viết vào cho đủ mà sai hết sự kiện, ngày tháng nhé, bài làm sẽ bị trừ điểm đấy.

Bạn thấy đó, không phải quá khó như chúng ta hay nghĩ phải không? Thực ra thi học sinh giỏi chỉ cần bạn nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, học nâng cao thêm một chút và biết một ít mẹo làm bài là hoàn toàn có thể vượt qua. Nhưng quan trọng hơn hết đó chính là phải luyện tập thật nhiều thì mới có thể thành công được và thêm tâm lý thoải mái, không đặt nặng thắng thua vì những kiến thức bạn học lúc này còn có ích cho nhiều dịp mai sau nữa. Vậy nên hãy coi đây là một mục tiêu nho nhỏ mà bạn đặt ra cho mình nhé, vượt qua rồi sẽ có thêm nhiều động lực để vươn tới nhiều cái đích khác trong cuộc sống.

Chúc các bạn sẽ luôn thành công trong mọi kì thi và trên mọi con đường mình đã chọn.
Nguồn : sưu tầm internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét